Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 23/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ở mức 79,34 USD/thùng, giảm 0,01 USD trong phiên và giảm 0,47 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 22/8.
Còn dầu Brent giao tháng 10/2023 đứng ở mức 83,96 USD/thùng, giảm 0,07 USD trong phiên và giảm 0,43 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 22/8.
Các chuyên gia cho biết, giá dầu thế giới hôm nay (23/8) tiếp tục giảm khi các nhà đầu tư lo ngại tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu toàn cầu.
Hoạt động kinh tế trì trệ của Trung Quốc đang khiến thị trường thất vọng vì các gói kích thích, cam kết hỗ trợ nền kinh tế đã không đạt được như kỳ vọng, bao gồm cả việc cắt giảm tiêu chuẩn cho vay vào hôm 21/8.
Việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của Ả Rập Xê-út và Nga phần lớn đã bị che phủ do nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc suy yếu và có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu có thể chịu thêm ảnh hưởng khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ hôm 22/8, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/8.
Hãng thông tấn nhà nước Iraq đưa tin, các bộ trưởng dầu mỏ của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc nối lại các dòng dầu sau khi hoàn tất việc bảo trì đường ống, đây có thể coi là một động thái thúc đẩy nguồn cung toàn cầu.
Việc nối lại đường ống xuất khẩu có thể bổ sung gần nửa triệu thùng mỗi ngày vào nguồn cung dầu toàn cầu, tạo ra một bước tiến đáng kể trong hạn chế tác động từ việc cắt giảm sản lượng bổ sung của Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 9.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng xuất khẩu 450.000 thùng/ngày (bpd) - khoảng 0,5% nguồn cung toàn cầu thông qua đường ống phía bắc Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 sau phán quyết trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế.