Giá xăng dầu hôm nay 25/9: Ghi nhận tuần giảm giá mạnh

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại về triển vọng nhu cầu yếu, đồng USD tăng cao khiến giá dầu tuần này giảm mạnh.

Khép tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, hôm nay ghi nhận dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 79,43 USD/thùng.Còn dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 86,75 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của ''vàng đen'' trong 8 tháng trở lại đây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 19/9 với xu hướng tăng, khi thị trường đặt cược vào triển vọng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc phục hồi trong bối cảnh nguồn cung được dự báo thắt chặt hơn và đồng USD suy yếu.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp đã tăng 4,2% trong tháng 8, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022, vượt dự báo tăng 3,8% mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra, và mức tăng 3,8% trong tháng 7. Doanh số bán lẻ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong 6 tháng, vượt dự báo tăng 3,5% của các nhà phân tích và mức tăng 2,7% trong tháng 7.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 19/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 85,23 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 91,94 USD/thùng.

Tuy nhiên, khi những lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu được dấy lên, đặc biệt là ở khu vực châu Âu đã đẩy giá dầu quay đầu giảm.

Ngoài ra, làn sóng tăng lãi suất đang được các ngân hàng trung ương đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang cũng tạo áp lực không nhỏ đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Khi những dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan tại các nền kinh tế lớn được công bố, giá dầu thô tiếp tục sụt giảm mạnh.

Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa
Hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của Petrovietnam. Ảnh minh họa

Đến sáng 21/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 84,02 USD/thùng. Còn dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 90,66 USD/thùng.

Tại Trung Quốc, theo dữ liệu được công bố, tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này trong tháng 8 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ 2021, xuống còn khoảng 9,5 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà máy lọc dầu hoạt động cầm chừng, hoặc dừng hẳn và biên lợi nhuận lọc dầu không hấp dẫn.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng trong 4 tuần qua của nước này đã giảm xuống 8,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Tồn kho dầu thô thương mại của nước này cũng tăng 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/9.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng khi đồng USD vượt đỉnh 20 năm, sau khi Fed công bố quyết định tăng mạnh lãi suất và phát đi tín hiệu về việc sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong năm 2022.

Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sụt giảm cũng thúc đẩy tâm lý bán tháo của nhà đầu tư, qua đó tạo áp lực giảm giá không nhỏ đối với dầu thô.