Các chuyên gia cho biết, giao dịch trong tuần mới này sẽ bắt đầu một cách chậm chạp. Nguyên do vì cả thị trường Mỹ và Vương quốc Anh đều đóng cửa vào hôm nay nhân dịp Ngày lễ Tưởng niệm và ngày nghỉ lễ của ngân hàng. Những ngày nghỉ lễ tại các trung tâm tài chính đồng nghĩa với việc khối lượng giao dịch thấp hơn, khiến giá biến động chậm.
Tuy nhiên, thanh khoản mỏng đôi khi có thể làm tăng biến động giá nếu có tin tức bất ngờ xuất hiện. Tuần trước, sự biến động của giá dầu chủ yếu chịu tác động bởi những bình luận xoay quanh lãi suất của Mỹ và báo cáo tồn kho dầu của Mỹ.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu giảm liên tiếp 4 phiên và tăng duy nhất 1 phiên. Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm nhẹ khi 2 quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson và Phó Chủ tịch Giám sát Fed Michael Barr cho biết họ cần thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm.
Tồn kho dầu của Mỹ tăng và lo ngại lạm phát tại Mỹ kéo dài gây áp lực lên nhu cầu nhiên liệu đẩy giá dầu tiếp tục giảm ở 3 phiên tiếp theo. Cũng tác động đến giá dầu là biên bản cuộc họp chính sách của Fed cho thấy các quan chức Fed lo ngại về nhu cầu dầu khi cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bị hoãn do lạm phát kéo dài. Một số quan chức Fed còn cho biết sẵn sàng tăng chi phí đi vay một lần nữa nếu lạm phát tăng cao. Như vậy, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã dần tiêu tan và các nhà phân tích đặt kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Với 4 phiên “lao dốc không phanh”, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, giá dầu đã lấy lại được một phần mất mát ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,1%, WTI giảm 2,8%.
Tuần này, các dữ liệu có thể tác động đến giá dầu có thể kể đến dữ liệu CPI tháng 5 của khu vực đồng euro, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ – thước đo lạm phát của Fed.
Cuối tuần, OPEC+ sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 2/6 để quyết định xem liệu có tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện hay không.