Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 30/4: Dầu thô có tuần trượt dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn có một tuần lao dốc. Song, dự trữ dầu của Mỹ giảm, dữ liệu kinh tế yếu ở cả khu vực đồng euro và Mỹ sẽ tiếp tục là những yếu tố đẩy giá xăng dầu leo dốc vào tuần tới.

Dù tăng trong 2 phiên cuối, tính chung tuần này, giá dầu đã nối dài đà giảm của tuần trước do lo ngại suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu. Giá dầu Brent đã giảm khoảng 3% xuống dưới mức 80 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm nhẹ hơn, chỉ khoảng 1%. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã giảm mạnh hơn 5% vào tuần trước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính cả tháng, giá dầu Brent và WTI tăng, giảm trái chiều với dầu Brent giảm chưa đến 1% và dầu WTI tăng khoảng 1%. Đây là lần tăng giá dầu WTI hằng tháng đầu tiên trong vòng nửa năm qua.

Giá dầu tuần này trượt dốc bất chấp ba phiên tăng giá (một phiên ngay đầu tuần, và hai phiên cuối tuần).

Tăng nhẹ phiên đầu tuần, giá dầu bất ngờ giảm 2% xuống mức thấp nhất trong tháng ở phiên giao dịch thứ hai của tuần bởi lo ngại sâu sắc về suy thoái kinh tế và sự mạnh lên của đồng USD lấn át hy vọng về nhu cầu tăng cao hơn của Trung Quốc.

Giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn 4% ở phiên tiếp theo bất chấp dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm mạnh. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng xuống còn 460,9 triệu thùng; dự trữ xăng giảm 2,4 triệu thùng xuống 221,1 triệu thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm gần 600.000 thùng xuống 111,5 triệu thùng.

Nguyên nhân được chuyên gia chỉ ra, giá dầu chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến về một cuộc suy thoái kinh tế thay vì những thống kê của EIA vốn nghiêng về xu hướng tăng giá.

Người lao động dầu khí trên công trình biển. Ảnh minh họa
Người lao động dầu khí trên công trình biển. Ảnh minh họa

Các chiến lược gia của Ngân hàng Saxo cho biết, sự phá vỡ kỹ thuật dưới 80 USD/thùng đối với dầu Brent có thể thu hút thêm hoạt động bán khống từ các nhà giao dịch tập trung vào đà tăng trưởng, với tâm lý rủi ro yếu ớt đang lan rộng từ lĩnh vực ngân hàng. Mức kháng cự của WTI ở mức 76,5 USD/thùng và dầu Brent ở mức 80,5 USD/thùng.

Giá dầu một lần nữa giảm xuống gần ngưỡng 80 USD/thùng, gần như quay trở lại lãnh thổ đã đi vào đầu tháng 4, trước khi các thành viên của OPEC+ tuyên bố cắt giảm đơn phương tổng cộng 1,6 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến hết tháng 12.

Sản lượng sụt giảm khiến một số nhà phân tích cảnh báo giá có thể tăng lên ba con số, với việc Goldman Sachs điều chỉnh dự báo dầu Brent tăng 5 USD/thùng lên 95 USD/thùng cho tháng 12 năm nay.

Giá dầu đã lấy lại được đà tăng vào hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhờ dữ liệu kinh tế yếu ở khu vực đồng euro và Mỹ. GDP quý I của Mỹ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn dự kiến; chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng nóng 4,2%; đầu tư kinh doanh ảm đạm; số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần kết thúc vào ngày 22/4.

Với GDP thấp, lo ngại suy thoái tăng cao càng củng cố cho lần tăng lãi suất “cuối cùng” của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, dữ liệu tăng trưởng ở  khu vực đồng euro cũng không khả quan hơn. Trong quý I-2023, tổng sản phẩm quốc nội trong khu vực đồng euro tăng 0,1%, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 0,2%. Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng 0,9% trong năm nay và 1,5% trong năm 2024.

Theo Giám đốc điều hành của Liên minh châu Âu (EU), khối này sẽ tránh được suy thoái kinh tế nhưng vẫn phải đối mặt với một loạt các thách thức như lạm phát, thắt chặt tiền tệ, nhu cầu bên ngoài yếu...