Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 5/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2023 tăng 29 cent, tương đương 0,4%, lên mức 80,71 USD/thùng.
Còn dầu Brent giao tháng 6/2023 gần như đi ngang, tăng 1 cent, lên mức 84,94 USD/thùng.
Các chuyên gia cho rằng, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu dịch chuyển nhẹ theo hướng tăng trong phiên giao dịch khá bấp bênh khi các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng gây sốc của OPEC+ trước dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ và Trung Quốc cho thấy nhu cầu dầu hạ nhiệt.
Trước đó, cả dầu Brent và WTI đều đã tăng phi mã hơn 6% sau khi OPEC+ làm rung chuyển thị trường với thông báo có thể duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến hết năm 2023.
Cam kết này đã nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày bao gồm cả việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Trong khi đó, cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm và sự sụt giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm trong hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng Ba đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ.
Theo Reuters, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 46,3 vào tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, thấp hơn so với mức 47,7 trong tháng 2.
Còn một số nhà kinh tế bày tỏ quan ngại suy thoái kinh tế sắp xảy ra. Hoạt động sản xuất yếu kém ở Trung Quốc vào tháng trước cũng làm trầm trọng thêm tình hình.
Ngày 3/4, Tập đoàn ING đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý đầu tiên xuống còn 3,8% từ mức 4,5%, với lý do nhu cầu bên ngoài thấp. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu khiêm tốn cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay là khoảng 5% sau khi chỉ tăng 3% vào năm ngoái, một trong những mức tăng yếu nhất trong gần nửa thế kỷ.
Dữ liệu kinh tế yếu hơn đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm. Thêm vào đó, giá vàng vượt qua mức quan trọng 2.000 USD khi các nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn an toàn. Các tín hiệu kinh tế đi cùng với những lo ngại về lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, khi giá dầu tăng dẫn đến lãi suất cao hơn.
Việc hạn chế sản xuất khiến nhiều nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và 100 USD/thùng vào năm 2024.
Số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm hơn 4 triệu thùng vào tuần trước. Những người theo dõi thị trường đang cố gắng đánh giá xem Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cần tiếp tục tăng lãi suất trong bao lâu để hạ nhiệt lạm phát và liệu nền kinh tế Mỹ có thể sắp suy thoái hay không.
Các nhà đầu tư hiện thấy khoảng 40% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm cơ bản vào tháng 5 và khả năng tạm dừng tăng lãi suất là khoảng 60%.