Giá xăng dầu tăng vọt, dự báo tiếp tục leo cao

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bế tắc trong tìm nguồn cung cộng với thông tin châu Âu đang xem xét cấm nhập dầu của Nga đã đẩy giá xăng dầu hôm nay tăng mạnh.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 22/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 113,6 USD/thùng, tăng 1,48 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 21/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2022 đã tăng tới 7,25 USD/thùng.

Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 118,11 USD/thùng, tăng 2,49 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 8,74 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/3.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh thị trường ghi nhận thông tin EU đang xem xét áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga đẩy giá dầu ngày 22/3 tăng vọt. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường thêm trầm trọng, đặc biệt các nước vẫn rất bế tắc trong việc tìm kiếm các nguồn cung dầu thay thế. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu cũng được ghi nhận tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần khi thị trường đón nhận thông tin trên.

Trong khi đó, lo ngại về khả năng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kéo dài và những rủi ro mà nó mang lại đối với kinh tế toàn cầu sẽ ngày một lớn hơn.

Theo Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), kể cả khi tình hình căng thẳng tại Ukraine chấm dứt, thế giới vẫn đối mặt với thâm hụt năng lượng mang tính cơ cấu, do các lệnh trừng phạt với Nga.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thị trường ghi nhận thông tin sản lượng của OPEC+ trong tháng 2/2022 thấp hơn mức mục tiêu đến 1 triệu thùng/ngày. UAE và Saudi Arabia, 2 nước trong OPEC còn có khả năng tăng sản lượng đến nay vẫn từ chối các lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ Mỹ và những nước tiêu thụ dầu lớn.

Tại Mỹ, mặc dù giá dầu đang ở mức cao nhưng theo dữ liệu được ghi nhận thì các công ty năng lượng ở nước này lại đang gặp khó trong việc gia tăng số lượng giàn khoan hoạt động.

Thống kê của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, vào năm 2021, Nga cung cấp 11% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu, 17% lượng tiêu thụ khí đốt trên thế giới và 40% lượng tiêu thụ khí đốt của Tây Âu. Điều này có nghĩa, nếu các lệnh trừng phạt đối với Nga duy trì trong thời gian dài, thị trường có thể sẽ phải tìm kiếm bổ sung tới 11% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu trong trường hợp dầu của Nga bị cấm hoàn toàn.

Kênh RT (Nga) dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/3 cho biết giá dầu sẽ tăng lên 300 USD/thùng nếu phương Tây từ bỏ dầu của Nga, đồng thời cảnh báo “giá dầu có thể đạt 500 USD/thùng”.

Thị trường dầu thô còn ghi nhận nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông, khi những ngày gần đây phiến quân Houthi đã tấn công vào nhiều địa điểm trên khắp Saudi Arabia, trong đó có một số địa điểm của Tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco.

Nguy cơ về một khủng hoảng, thiếu hụt dầu thô là hiện hữu khi mà nguồn cung  vẫn bị thắt chặt còn nhu cầu tiêu thụ dầu đang có chiều hướng gia tăng.

Để giảm thiểu nguy cơ này, IEA mới đây đã đưa ra một bảng chi tiết kế hoạch khẩn cấp gồm 10 khuyến nghị, trong đó có việc giảm tốc độ giới hạn đường cao tốc ít nhất 9,6 km/h, làm việc tại nhà tối thiểu 3 ngày/tuần nếu có thể và nói không với ô tô trong thành phố vào ngày Chủ nhật. Theo IEA, nếu các khuyến nghị trên được thực hiện, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Con số này là khá gần với mức dự báo thiếu hụt 3 triệu thùng bắt đầu từ tháng 4/2022 mà IEA đã đưa cảnh báo trước đó.