70 năm giải phóng Thủ đô

Giá xăng giảm: "Cơn gió mát" hạ áp lực chi phí cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng phần nào đã tạo ra “cơn gió mát” với cộng đồng doanh nghiệp khi giảm áp lực về chi phí trong sản xuất kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng phát triển và có thể kích cầu mua sắm, tiêu dùng...

Phấn khởi dè dặt
Cửa hàng xăng dầu của PVOIL.
Cửa hàng xăng dầu của PVOIL.

Đánh giá về động thái giảm giá xăng dầu mới đây, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC (Lô 38I, KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) Nguyễn Minh Châu cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn không ngừng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì giá xăng dầu là một phần chi phí lớn trong vận chuyển, hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu cao có thể khiến doanh nghiệp thêm… oằn vai.

Tuy nhiên, doanh nhân Nguyễn Minh Châu cũng lạc quan, khi xăng dầu kỳ này điều chỉnh giảm tương đối không chỉ người dân, mà các doanh nghiệp càng phấn khởi. Thời gian qua, giá xăng dầu biến động nhiều, sau nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm khác nhau hiện vẫn neo ở mức cao hơn nhiều so với thời gian dài trước đó.

Bản thân doanh nghiệp cũng chịu sự ảnh hưởng phần nào từ việc xăng dầu lên cao. Dù không phải đơn vị hoạt động trực tiếp ở ngành vận tải nhưng việc giá xăng tăng cao phần nào ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, sản xuất, kinh doanh. Song doanh nghiệp vẫn không điều chỉnh, giữ nguyên giá với các sản phẩm dịch vụ của mình.

Công nhân Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: Khắc Kiên

“Việc xăng giảm doanh nghiệp mừng, nhưng điều đáng quan tâm bây giờ là sự ổn định về giá như thế nào sau đợt giảm này mới là quan trọng” – vị này nhấn mạnh. Bởi, xăng tăng giảm các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị điều chỉnh giá bán sản phẩm dịch vụ lên xuống mới được duyệt, nhưng có khi vừa được duyệt giá xăng lại điều chỉnh tăng khiến “dở khóc, dở cười”. Giờ giá xăng dầu điều chỉnh giảm sẽ phần nào chịu sức ép điều chỉnh giảm giá bán.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá

Rõ ràng, về tác động trực tiếp, xăng dầu tăng giá, chi phí nhiên liệu tăng, cước vận chuyển đi lên, các chế phẩm dầu mỡ phục vụ sản xuất điều chỉnh giá chóng mặt... Gián tiếp, chi phí nguyên nguyên vật liệu tăng do nhà cung cấp điều chỉnh giá bán, cũng như tâm lý người lao động dao động do chi phí sinh hoạt leo thang. Nhưng khi giảm buộc các doanh nghiệp cũng phải tính toán với đầu ra sản phẩm.

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hệ thống Nhà hàng Nhật TAKUMI Nguyễn Đức Bình chia sẻ, khi giá xăng dầu giảm 3000 đồng là điều mà ai cũng mong muốn. Với doanh nghiệp nghành dịch nhà hàng, TAKUMA cũng bị ảnh hưởng trực tiếp do giá xăng dầu.

Chi phí vận chuyển tăng cao làm cho khách hàng đi ăn phải trả thêm chi phí taxi, grab… Phí ship đồ ăn cũng tăng, một số địa điểm cước phát sinh giao hàng lên gấp 2 mà nhiều khi cũng không tìm được người ship đồ ăn cho khách.

Ngay cả doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng như TAKUMI cũng bị ảnh hưởng khi chi phí tăng cao. Ảnh: Hoàng Anh
Ngay cả doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng như TAKUMI cũng bị ảnh hưởng khi chi phí tăng cao. Ảnh: Hoàng Anh

Giá xăng dầu tăng làm cho các nghành kinh doanh, sản xuất thực phẩm tăng theo, đặc biệt những loại cá tươi nhập khẩu ở Nhật giá tăng 25 – 50%. Mặc dù TAKUMI vẫn giữ nguyên giá để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhưng nếu giá cứ cao, đến một thời điểm TAKUMI cũng phải tăng giá lên cho phù hợp.

“Rất may do giá xăng dầu giảm càng thôi thúc TAKUMI giữ nguyên được giá cố định mà rất lâu rồi công ty không điều chỉnh. Sau khi giá xăng dầu giảm tôi cũng đã thấy 1 số mặt hàng nguyên liệu thực phẩm giảm giá thành, điều đó cũng làm giảm áp lực cho doanh nghiệp nghành dịch vụ ăn uống” – vị này nói.

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Việt Phương - Chủ tịch Hệ thống Nha khoa VIPLAB Việt Nam và Kiểm Định Y tế VIPLAB nhìn nhận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng thấp. Nguyên nhân do dịch bùng phát kéo dài, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng giá, khan hiếm.

Đặc điểm giá xăng, dầu tăng làm cho giá vận chuyển cả đường thủy và đường bộ tăng cao việc sản xuất ở các nước trên thế giới dẫn đến tình trạng bị khủng hoảng năng lượng. Từ đó dẫn tới các chi phí phát sinh từ logictis, những tháng cuối năm 2021 và thời gian vừa qua "cơn lốc” giá nguyên liệu và xăng, dầu khiến nguy cơ doanh nghiệp bị tổn hại rất lớn.

Giá xăng giảm 3.000 đồng/lít là cơ hội để doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào do xăng, dầu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành hàng hóa, kích thích nhu cầu sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II/2022 là 7,72% - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, góp phần thúc đẩy GDP 6 tháng tăng 6,42%, với kết quả khả quan này nền kinh tế Việt Nam tự tin có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và hàng đầu Thế giới.

Theo Trưởng ban Cố vấn Hanoisme Trịnh Thị Ngân, những biến động tăng nhanh chóng của giá xăng, dầu đang tác động lớn tới chi phí vận tải, logistics, giá hàng hóa... Yếu tố này vô hình chung khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó càng thêm khó, đặc biệt là những hậu quả của dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, giá xăng, dầu liên tiếp tăng và đã có thời điểm tiến sát mốc 140 USD từ trước Tết đến nay. Các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới từ 15 - 20% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng.

Ngoài ra, nếu tăng giá, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với việc mất khách hàng. Bởi, giá xăng, dầu tăng mạnh đang tác động đến những yếu tố đầu vào của doanh nghiệp về nguyên phụ liệu tăng; trong đó có chi phí vận chuyển từ xưởng sản xuất, nguyên liệu, chi phí chạy dầu của nhiều máy móc thiết bị...

Do đó, doanh nghiệp đồng tình cao và rất phấn khởi về sự hỗ trợ từ Chính phủ về giải pháp giảm giá căng dầu từ nguồn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là sự hỗ trợ tích cực, rất thiết thực từ Chính phủ để doanh nghiệp phần nào đỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay và người tiêu dùng đỡ khó khăn hơn, nhất là các công nhân nghèo và thu nhập thấp.

“Giá nhu yếu phẩm có tăng hơn khoảng 10-15% từ các nhu cầu phục vụ bữa ăn đểu tăng do phải vận chuyển đi lại, nên các bà nội trợ cũng phải tính toán hợp lý cho bữa ăn và chi tiêu để đảm bảo đời sống của các thành viên trong gia đình” - bà Trịnh Thị Ngân nói.

Trưởng ban Cố vấn Hanoisme cũng khẳng định, với giá xăng dầu giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và giá cả tiêu dùng sẽ giảm. Qua đó, đời sống sinh hoạt của người dân đỡ khó khăn hơn, góp phần phát triển kinh doanh của ngành du lịch, vận tải nói riêng, các ngành khác sẽ giảm chi phí đầu vào trong sản xuất kinh doanh.

 

Giá xăng dầu giảm sẽ mang lại một vài thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp, kỳ vọng tiết kiệm phần nào chi phí dành cho việc vận hành, khâu thu mua và vận chuyển hàng. Xét một cách tổng thể, điều này cũng là một yếu tố góp phần giảm chi phí sản xuất, chi phí vận hành của doanh nghiệp, từ đó giúp kiềm chế lạm phát, tạo sự ổn định và đà phát triển cho nền kinh tế.

Trong tình hình khó khăn chung của thị trường toàn cầu, động thái này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ để chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua nhiều thách thức. Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn chỉ là yếu tố gián tiếp tác động tới doanh nghiệp nhập khẩu và dự trữ tồn kho.

Với mức giảm 3.000 đồng/lít của giá xăng dầu thì việc nhập khẩu các nguyên liệu thép không gỉ vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức khác như: Sự khan hiếm của nguồn nguyên liệu đầu vào, rào cản thương mại giữa các quốc gia và trong chính nội tại đất nước, sự sụt giảm nhu cầu của thị trường… Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này và về đích thành công.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh - đại diện Công ty TNHH Quốc tế TYG