Giấc mơ của ông Miura

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi trở về từ vòng loại U23 châu Á, ông Miura đã trở thành ngôi sao sáng của làng...

Kinhtedothi - Sau khi trở về từ vòng loại U23 châu Á, ông Miura đã trở thành ngôi sao sáng của làng bóng đá Việt Nam. Nhà cầm quân này liên tục di chuyển từ cơ quan truyền thông này sang cơ quan truyền thông khác để tham gia các buổi giao lưu trực tuyến. Và ở đó, ông Miura đã ấp ủ một giấc mơ, đó là đưa Đội tuyển quốc gia lọt vào Top 10 châu Á.

Ông Miura bảo rằng, đến giờ, Việt Nam đã là một trong những nền bóng đá mạnh nhất khu vực rồi. Cái đích mà nền bóng đá phải hướng đến là cải thiện thứ hạng từ 16 - 18 thành thứ 10 châu Á. Chỉ có vài bậc xếp hạng, nhưng theo ông Miura, để hoàn thành cái đích đó phải mất khoảng 10 năm cùng việc phải xây dựng một chiến lược hướng đến tương lai bài bản.

 
HLV Miura và TTK VFF Lê Hoài Anh - Trưởng đoàn U23 Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 1/4. (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)
HLV Miura và TTK VFF Lê Hoài Anh - Trưởng đoàn U23 Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 1/4. (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)
HLV Miura phân tích, không có nhiều điểm khác giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản. Các cầu thủ của Việt Nam có tố chất kỹ thuật và chơi bóng thông minh. Điểm yếu lớn nhất là thể lực quá hạn chế nên không đủ sức va chạm với những đối thủ có nền tảng thể lực tốt, đặc biệt là những đội bóng đến từ châu Âu. Điểm yếu thứ hai cũng vô cùng quan trọng, đó là việc, nguồn cung cầu thủ của Việt Nam không nhiều nên thiếu những tài năng thực sự.

Gần một năm ở Việt Nam, ông Miura đã bắt được bệnh của nền bóng đá. Một nền bóng đá ưa lối chơi kỹ thuật nên không chú trọng, hoặc chẳng dám chú trọng đến khâu huấn luyện thể lực vì đã là cầu thủ, chẳng ai muốn vất vả trên thao trường cả. Có một thực tế là HLV của Việt Nam thường sợ các ngôi sao bởi họ tin, đó mới chính là người nắm giữ chân ghế quyền lực. Từ thỏa hiệp đến sai phương pháp huấn luyện, cả nền bóng đá chấp nhận việc yếu kém thể lực là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”.

Ông Miura muốn thay đổi, muốn thực hiện giấc mơ của mình bằng việc đi ngược với xu thế. Tất nhiên, nhà cầm quân này đã phải hứng nhiều “gạch đá” từ dư luận và chính các chuyên gia bóng đá quốc nội. Rất may là đến giờ, nhà cầm quân này đã thoát hiểm ngoạn mục.

Và giờ là lúc ông Miura thực hiện phần hai của giấc mơ, đó là cải thiện nguồn cung của nền bóng đá. Cái này thì nằm ngoài phạm vi của một HLV trưởng Đội tuyển quốc gia. Một khi các đội 1 vẫn sống lay lắt thì lấy đâu ra kinh phí lo đào tạo trẻ. Một khi các ông bầu chỉ thích chạy theo thành tích thì chẳng có móng vững chắc để xây nhà.

Không ai đánh thuế giấc mơ. Thật xúc động khi một ông thầy ngoại đang mơ giấc mơ cho bóng đá Việt. Chỉ hy vọng rằng, giấc mơ ấy sẽ làm thay đổi nhận thức của những người làm bóng đá nước nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần