Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên - Bài 3: Những sáng kiến cần nhân rộng

Nhà văn Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) nói chung, phòng tránh cho học sinh nói riêng đã có nhiều sáng kiến thiết thực từ cộng đồng và cơ quan chức năng được đưa ra và có thể áp dụng rộng rãi.

Nặng lòng với văn hóa giao thông
Đến trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên với sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Văn Quyết, phụ trách công tác Đội. Thầy đã sáng tạo ra những bài hát rap, với phong cách đố vui về các tình huống an toàn giao thông (ATGT), vừa tạo hứng khởi vừa giúp các em dễ nhớ và biết bảo vệ mình. Thầy Quyết phải tập luyện tập hát rap và sáng tạo lời theo nhịp âm nhạc của mình, rồi áp lời câu hỏi vào đó sao cho hợp nhịp để đọc lên các em thấy thú vị.

Qua tìm hiểu ở thực tế nhiều trường và những hiệu quả mang lại từ việc dạy ATGT bằng rap của thầy Quyết mới thấy hết sự sáng tạo ấy có giá trị. Bởi việc phổ biến ATGT cho học sinh rất khó vì các em học sinh tiểu học ở độ tuổi rất nhỏ khó có thể hiểu và nhớ được luật. Cùng với đó, việc tham gia giao thông ngoài trường đôi khi các vị phụ huynh không làm gương cho các con, không đội mũ bảo hiểm mà lại chở hai, chở ba. Khi tuyên truyền bằng rap, chính các em lại tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, giúp cho việc chấp hành giao thông tốt hơn.

Cảnh sát giao thông Đội 3, Công  an Hà Nội điều tiết giao thông trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều phụ huynh học sinh chia sẻ, việc làm của thầy Quyết rất sáng tạo và cần được nhân rộng. Vào thứ Hai hàng tuần, hàng nghìn học sinh được sinh hoạt, được hòa cùng lời ca, lời hát và thấy thích thú. Chị Nguyễn Thanh Huệ - phụ huynh học sinh, cho biết: “Vì yêu học sinh nên thầy Quyết mới sáng tạo ra một phương pháp hay như vậy”.

Cũng lo lắng về tình trạng mất ATGT, ông Đặng Trung Nghĩa ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) đã chuyên tâm viết kịch bản hài, chèo tuyên truyền về văn hóa giao thông. Ông Nghĩa là người quê gốc ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất), từ nhỏ đã đam mê sân khấu chèo. Ông đã viết gần 200 kịch bản và được phát, dựng trên các phương tiện truyền thông, trong đó có nhiều kịch bản về ATGT. Mỗi kịch bản về giao thông của ông thường dựng được từ 10 - 15 phút, tập trung vào các vấn đề nổi cộm của giao thông như ứng xử khi tham gia giao thông, vấn nạn sử dụng rượu bia khi lái xe, nạn đánh võng… Được phản ánh từ thực tế, nhưng qua ngòi bút, thái độ sống vì văn hóa giao thông, người xem dễ dàng cảm nhận được định hướng giáo dục, tiếp thu được thông điệp một cách tự nhiên, thoải mái nhất. “Tôi rất hiểu nỗi đau và sự mất mát của gia đình nạn nhân chết vì TNGT hay có nhiều người bị thương tật. Điều đó khiến chúng ta đau lòng và cần phải hành động điều gì đó” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Chọn một cách làm khác, ông Dương Khắc Kiểm ở xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) lại vừa dạy bóng đá, vừa giáo dục đạo đức và văn hóa giao thông cho các em học sinh nữ. Theo ông Kiểm, việc dạy bóng đá của ông đã khiến các em rất hào hứng, thì tận dụng luôn để nói về việc tham gia ATGT. Đến nay, sau hơn 20 năm dạy bóng đá nữ, ông Kiểm đã có nhiều học trò đạt thành tích cao trong phong trào thể thao Hà Nội và quốc gia. Ông Kiểm chia sẻ: “ Nếu mỗi người chỉ cần ý thức một chút, làm lan tỏa một chút thì sẽ giúp giảm thiểu những vụ TNGT đáng tiếc”.

Thêm nhiều việc làm ấn tượng

Qua theo dõi, tìm hiểu thực tế, nhiều năm qua các cơ quan chức năng, đơn vị đã tiến hành tổ chức các cuộc thi về chủ đề ATGT cho học sinh, sinh viên, như thi tiểu phẩm hài, thi hát, thi múa, thi vẽ… Một trong những cuộc thi tạo được ấn tượng là thi vẽ tranh trong đối tượng học sinh dưới 6 tuổi có tên Toyota “Chiếc ô tô mơ ước”. Từ lần đầu tổ chức vào năm 2011 đến nay, 2,9 triệu bức tranh đã được vẽ, hàng trăm bức tranh ấn tượng được trao giải. Cuộc thi là sân chơi bổ ích, giúp các em có điều kiện thể hiện sức sáng tạo, những ước mơ bản thân về những phương tiện giao thông hiện đại và an toàn, đồng thời gửi gắm những thông điệp với cộng đồng, xã hội về một môi trường giao thông an toàn. Tại lễ trao giải lần thứ 6 vào giữa tháng 4/2017, Ban tổ chức Cuộc thi vẽ tranh “Chiếc ô tô mơ ước” đã lựa chọn được 168 bức tranh từ hơn 544.000 tác phẩm dự thi, mỗi tác phẩm đều thể hiện sự sáng tạo của các em học sinh trên cả nước.

Mới đây, Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho thầy cô giáo và học sinh. Với khối THCS được tổ chức tại 10 tỉnh, thành trong đó có Hà Nội; khối THPT của 63 tỉnh, TP. Chương trình diễn ra từ tháng 11/2017 đến hết tháng 3/2018 trên cả nước. Đây là cơ hội để giáo viên và học sinh trau dồi thêm kiến thức ATGT, tham gia giao thông an toàn và tích cực hơn.

Có thể nói, các cơ quan chức năng đã tích cực có sáng kiến tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, ca hát, tuyên truyền sâu rộng về công tác gìn giữ, bảo đảm ATGT. Song cũng cần thêm nhiều sáng kiến của cộng đồng, chung tay vì cuộc sống an toàn cho các em học sinh, sinh viên.
Ở trường THPT Châu Thành 2 (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) thầy giáo Nguyễn Trí Dũng có cách làm hay và cũng nên được áp dụng ở Hà Nội. Cụ thể như qua tổ sao đỏ, thầy Dũng nắm được học sinh nào không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, đánh võng…. hay thầy giáo đi qua nhà xe, nhìn thấy xe nào thiếu gương thì thầy dùng phấn trắng viết vào yên xe, yêu cầu học sinh chấp hành. Việc làm của thầy Dũng được toàn thể học sinh và giáo viên ủng hộ.
(còn nữa)