Hội thảo quốc tế "Chuyển biến kinh tế - xã hội và giáo dục" diễn ra ngày 3 và 4/11 dành nhiều thời gian bàn giải pháp khắc phục vấn đề này.
Thiếu gắn kết cơ sở đào tạo - DN
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục và lao động đồng tình với nhận định của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Khó khăn chính của lao động Việt Nam hiện nay không phải là thiếu nhu cầu lao động mà là thiếu hụt kỹ năng: Thiếu hụt tới 37,04% trong ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, 21,64% về trình độ ngoại ngữ và 20,53% về khả năng tư duy so với nhu cầu của DN. Lao động Việt Nam cũng đang gặp 3 rào cản: Thứ nhất là tiếp cận tài chính, thứ hai tham nhũng và thứ ba là không được đào tạo phù hợp. Trong đó rào cản thứ ba là lớn nhất, xảy ra từ lâu nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn.
Ông Tiến cho rằng, xét về phương diện cung cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo (CSĐT) phải là hệ thống trong quan hệ tương tác với 5 loại cơ sở khác. Đó là các cơ quan tuyển dụng - nơi sử dụng kỹ năng, DN - nơi sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH), các viện nghiên cứu - nơi phối hợp NCKH, các CSĐT khác - nơi phối hợp cung kỹ năng, các trường phổ thông - nơi đặt nền móng từ kỹ năng. Thế nhưng, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, các CSĐT vẫn được tổ chức và hoạt động theo kiểu tháp ngà, biệt lập, không có liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo với 5 cơ sở trên. Nhìn từ phía các CSĐT, nguyên nhân cơ bản dẫn đến thiếu gắn kết với 5 cơ sở liên quan là do thiếu thông tin, thiếu năng lực, thiếu động lực. Ngoài ra là các bất cập về chính sách tác động xấu tới quan hệ gắn kết giữa CSĐT với cơ quan sử dụng lao động. Trong đó có việc cấp tài chính thiếu hiệu quả và công bằng; chính sách phát triển đặt trọng tâm cung hơn cầu; các chương trình đào tạo thiếu phù hợp và hệ thống đào tạo thiếu sự đa dạng cần thiết.
DN có nhà trường, nhà trường có DN
Chuyển dịch cơ cấu lao động là xuất phát điểm để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Từ quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH cần phải quy hoạch lại mạng lưới CSĐT, cơ cấu lại đào tạo nhân lực về trình độ cũng như ngành nghề cho phù hợp với cơ cấu lao động. Nhưng đồng thời phải kết hợp với biến động của thị trường lao động để đào tạo nhân lực cho phù hợp. Đặc biệt lưu ý, đào tạo nhân lực là một thị trường, do vậy phải tuân thủ các quy luật của thị trường để phát triển”.
Đi tìm giải pháp để DN và CSĐT xích lại gần nhau nhằm khắc phục thiếu hụt kỹ năng, ông Đường cho rằng, đây phải là mối quan hệ tự nguyện, cả hai bên đều thấy có lợi. Điều đó sẽ xảy ra khi các trường thay đổi chương trình, cách đào tạo để chuẩn đầu ra từng ngành đáp ứng yêu cầu của DN. Chuẩn đầu ra không phải do các trường xây dựng mà căn cứ vào nhu cầu của DN. Và một giải pháp cụ thể được nhiều chuyên gia nghĩ đến là nhà trường có trong DN. Mô hình này đã được nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện thành công. “Tôi cho rằng, mỗi DN, chẳng hạn như dệt may mở ra một nhà trường để tận dụng mặt bằng, tay nghề của người học. Để làm được việc này thì 2 Bộ GD&ĐT và LĐTB&XH phải phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp các DN tạo ra những nhà trường như thế. Và ở mỗi nhà trường lớn, cũng nên hình thành DN. Ngay trong trường ĐH sư phạm, khoa Sinh học cũng có thể thành lập DN nuôi trồng nấm” - PGS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục đề xuất. Nhưng các chuyên gia cảnh báo, DN thành lập nhà trường cũng không đơn giản; phải là DN mạnh, bởi Việt Nam đã có những trường trực thuộc DN nhưng sống dở chết dở do DN làm ăn thua lỗ không có kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, khi DN mạnh sẽ tự mở trường đào tạo nhân lực cho họ. Còn khi DN yếu kém, họ đóng góp chi phí đào tạo để trường mạnh đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cho họ. Nhưng giữa hai bên luôn có sự liên kết để đào tạo sát với yêu cầu sử dụng.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ học lý thuyết. Ảnh: Thanh Hải
|