Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có nhiều chính sách khuyến khích, song việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, phương án để triển khai... còn vướng.

Chiều 11/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp”.

Ban tổ chức điều hành sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Ban tổ chức điều hành sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, hiện nay việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án để triển khai phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất đang mong muốn thực hiện xanh hóa, có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đầu tư, lắp đặt, sử dụng.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay, Quy hoạch điện VIII định hướng rõ chủ trương phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

May 10 là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực dệt may đổi mới công nghệ để giảm phát thải. Ảnh: Khắc Kiên
May 10 là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực dệt may đổi mới công nghệ để giảm phát thải. Ảnh: Khắc Kiên

Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) hướng tới Việt Nam sẽ giảm phát phải ròng về 0 vào năm 2050.

Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ hóa thạch. Đối với điện mặt trời mái nhà, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.

Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn điện ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh, hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất” - ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu để được hưởng ưu đãi ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa cũng buộc doanh nghiệp phải đáp ứng.

“Như vậy có thể nói, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế” - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, mặc dù năng lượng tái tạo, năng lượng xanh hay cụ thể là điện mặt trời mái nhà là quan trọng và cần thiết như vậy nhưng trong nhiều năm qua, việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp vẫn chưa được triển khai, thúc đẩy do chưa có quy định, tiêu chí cụ thể. Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các Bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khoảng trên 1.200 doanh nghiệp với 610.000 lao động. Việt Nam cũng đang có lộ trình giảm phát thảo net zero. Ngành dệt may đã đưa ra chiến lược, định hướng phát triển bền vững.

Vị này cho rằng, rất cần các cơ quan đưa ra những quy định dưới Luật để giải thích rất rõ doanh nghiệp mới triển khai được. Ví dụ như định nghĩa xác định về “tự sản tự tiêu” trong KCN, chủ thể trong các KCN để sử dụng điện mặt trời áp mái đó… Cùng với đó, hiện khi điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ dư thừa điện tại các dự án điện mặt trời mái nhà cũng gây khó cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý các tấm pin, đây là cũng vấn đề xử lý rác thải, làm sao tái chế được để tránh là gánh nặng cho môi trường. Do đó, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách tổng thể và hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư, lắp đặt, an toàn điện, PCCC cho doanh nghiệp, khu công nghiệp thống nhất trong cả nước.

Ngoài ra, sớm có quy định cụ thể cơ chế điều tiết, mua bán, sử dụng điện mái nhà trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; ban hành chính sách thay thế cho cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn.