Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán giành vé dự Olympic cho vật Việt Nam

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Dù luôn khẳng định vị thế ở đấu trường Đông Nam Á nhưng đội tuyển vật Việt Nam luôn thiếu cơ hội ở đấu trường châu lục và quốc tế. Giải bài toán khó giành vé tham dự Olympic Paris 2024 đang được đặt ra cấp thiết đối với các đô vật của Việt Nam.

Khẳng định vị thế ở Đông Nam Á

Năm 2023 là một năm sôi động đối với làng vật Đông Nam Á khi các đội tuyển đều tranh tài ở hai giải đấu lớn tại Campuchia. Trong đó, vào tháng 5 là tranh ở SEA Games 32, đội tuyển Vật Việt Nam là đội tuyển có thành tích tốt nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 khi giành được 13 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ đứng nhất toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra. 

Vật Việt Nam luôn khẳng định vị thế ở Đông Nam Á nhưng "hụt hơi" ở đấu trường châu lục. Ảnh: Bùi Lượng.
Vật Việt Nam luôn khẳng định vị thế ở Đông Nam Á nhưng "hụt hơi" ở đấu trường châu lục. Ảnh: Bùi Lượng.

Trong khi đó, Giải vật vô địch Đông Nam Á 2023 mới kết thúc đầu tháng 12 và là giải đấu quốc tế cuối cùng của năm 2023 mà đội tuyển vật Việt Nam tham dự. Đội tuyển vật Việt Nam tham gia với 14 HLV và 62 VĐV. Trong số các đô vật tham dự giải lần này có các gương mặt nổi trội trong đội tuyển quốc gia, như: Nguyễn Xuân Định, Ngô Thế Sao, Cấn Tất Dự, Ngô Văn Lâm (nội dung vật tự do nam); Nguyễn Đình Huy, Bùi Tiến Hải, Nguyễn Công Mạnh (nội dung vật cổ điển). Ở các nội dung của nữ gồm Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Trần Anh Tuyết, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Lại Diệu Thương, Đặng Thị Linh (nội dung vật tự do nữ).

Với kinh nghiệm cũng như chuyên môn cao, các đô vật của Việt Nam thi đấu xuất sắc để giành 26 HCV trong các nội dung của hệ vô địch giúp đội tuyển vật Việt Nam khẳng định vị thế tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là giải đấu mang tính tiền đề để Ban huấn luyện rà soát, đánh giá thêm ở công tác chuyên môn từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng cho những tuyển thủ nằm trong nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm. Trước đó, vật Việt Nam cũng đã tham dự các nội dung dành cho nhóm tuổi trẻ U17 và U20 ở giải lần này. Với hệ U17, đội tuyển vật Việt Nam có được 19 HCV và hệ U20 giành tới 27 HCV.

Ảnh: Bùi Lượng
Ảnh: Bùi Lượng

“Với trình độ vượt trội ở nhiều hạng cân, các đô vật Việt Nam khó học hỏi chuyên môn từ sân chơi Đông Nam Á. Nhưng đây vẫn là sân chơi cần thiết, đặc biệt khi các đô vật Việt Nam không có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế. Các VĐV đã cố gắng, tận dụng tối đa phát huy trình độ chuyên môn của mình” - Tổng Thư ký Liên đoàn Vật Việt Nam Tạ Đình Đức cho biết.

Giải bài toán khó giành vé dự Olympic

Ở các giải đấu khu vực Đông Nam Á, đội tuyển vật Việt Nam dễ dàng “thống trị” ở các nội dung nhưng khi ra đấu trường châu lục lại hoàn toàn trái ngược. Việc tranh chấp huy chương với các đối thủ của châu Á vẫn còn sự chênh lệch lớn, đơn cử tại Asiad 19 vừa qua, đội tuyển vật Việt Nam không giành được huy chương như kỳ vọng. Rõ ràng, để môn vật tiến xa hơn tại sân chơi châu lục và thế giới, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư mạnh mẽ, bài bản và lâu dài. Hiện tại, đội tuyển vật Việt Nam chưa có vé đến nước Pháp vào năm sau tham dự Olympic Paris, vì thế mục tiêu thi đấu tốt ở vòng loại để giành chính thức đến với Olympic là mục tiêu thiết thực nhất.

Theo kế hoạch vào đầu năm 2024, đội tuyển tập trung trở lại, trong đó các đô vật nữ tập trung cho vòng loại Olympic khu vực châu Á vào tháng 4 tại Kyrgyzstan và vòng loại của thế giới diễn ra trong tháng 5/2024 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á được kỳ vọng hơn cả. Trong đó, vẫn phải tập trung vào các tuyển thủ nữ khi cơ hội giành huy chương ở nội dung này khả quan hơn. Hiện tại, niềm hy vọng đang đặt vào các tuyển thủ Nguyễn Thị Xuân (50kg), Bùi Thị Đào (53kg), Nguyễn Thị Mỹ Trang (55kg), Trần Thị Ánh (57kg), Trần Thị Ánh Tuyết (62kg), Lại Diệu Thương (68kg), Đặng Thị Linh (76kg)…

Vật Việt Nam đặt mục tiêu giành vé tham dự Olympic Pari 2024. Ảnh: Bùi Lượng.
Vật Việt Nam đặt mục tiêu giành vé tham dự Olympic Pari 2024. Ảnh: Bùi Lượng.

Được biết, thiếu sân chơi tầm cỡ châu lục, không có sự cọ xát và tích luỹ kinh nghiệm thi đấu là nguyên nhân khiến các đô vật của Việt Nam “hụt hơi” khi đấu đối kháng. Theo các chuyên gia, hợp tác với các nước phát triển bộ môn vật là hướng đi thiết thực để tạo tiền đề cho vật Việt Nam. Đơn cử ở Nhật Bản luôn ở nhóm hàng đầu thế giới và công nghệ huấn luyện có nhiều nét mới, đem đến sự phong phú về kiến thức. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam Đới Đăng Hỷ, để môn vật Việt Nam phát triển bền vững, đào tạo được các đô vật đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, phải chú trọng đầu tư căn cơ, bài bản từ khâu đào tạo vận động viên ở các tỉnh, TP, ngành. Trong khi đó, ở cấp độ đội tuyển quốc gia cần những luồng sinh khí mới đến từ các VĐV trẻ để hướng đến mục tiêu chinh phục tấm huy chương Asiad và tranh vé dự Olympic.