Bài toán ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã trở thành mối lo ngại đáng kể trong suốt thập kỷ qua. Dữ liệu quan trắc từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tình trạng ô nhiễm thường leo thang từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, đặc biệt tại các khu vực giao thông đông đúc và tập trung nhiều cơ sở sản xuất.
Chính quyền TP đã xác định 5 nguồn gây ô nhiễm chính, bao gồm phương tiện giao thông đường bộ (kể cả bụi đường), hoạt động công nghiệp, sinh hoạt dân cư, đốt sinh khối nông nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê hiện có khoảng 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy lưu hành trên địa bàn thành phố, đáng chú ý là 70% số xe này đã qua sử dụng hơn 10 năm, góp phần đáng kể vào lượng khí thải gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Toàn (60 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Tôi sống ở Hà Nội đã lâu, nhưng chưa bao giờ thấy không khí ô nhiễm như thế này. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều cảm thấy khó thở, ngột ngạt. Các cháu nhỏ trong nhà cũng thường xuyên bị ho, viêm họng”.
Trước thực trạng đó, TP Hà Nội đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí, trong đó việc khuyến khích chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là một giải pháp được đặc biệt chú trọng.
Đầu tiên phải kể đến việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo hành lang thuận lợi cho việc phát triển xe điện. Nghị quyết về vùng phát thải thấp (LEZ) được HĐND TP thông qua cuối năm 2024 là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
Sau khi nghị quyết được thông qua, TP sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.
Quyết tâm cao vì mục tiêu lớn
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, mục tiêu đến trước năm 2035, 100% xe buýt trên địa bàn Hà Nội sử dụng năng lượng sạch. Mỗi người có thể bắt đầu từ việc cụ thể như chuyển sang sử dụng xe điện hoặc phương tiện giao thông công cộng điện hóa, không dùng bếp than, đốt rác ngoài trời, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ không gian xanh tại nơi mình sinh sống.
Thực tế, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Xe điện không phát thải khí độc hại, giảm thiểu tiếng ồn, tiết kiệm năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Linh - một người dân tại phố Nguyễn Hữu Huân đã chuyển sang sử dụng xe máy điện chia sẻ: “Từ ngày dùng xe điện, tôi thấy tiết kiệm được đáng kể chi phí xăng xe, lại không còn phải lo lắng về việc bảo dưỡng thường xuyên như xe máy xăng. Quan trọng hơn là góp phần bảo vệ môi trường, cho con cháu mình một tương lai tốt đẹp hơn”.
Mặc dù tiềm năng lớn, việc chuyển đổi sang xe điện tại Hà Nội vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Giá thành xe điện vẫn còn khá cao so với xe xăng, là rào cản đối với nhiều người dân. Bên cạnh đó, hệ thống trạm sạc điện vẫn chưa được phủ sóng rộng rãi, gây bất tiện cho người sử dụng. “Tôi rất muốn chuyển sang dùng xe điện, nhưng giá xe còn cao, lại lo lắng việc tìm chỗ sạc pin, nhất là khi đi xa” - chị Nguyễn Minh Châu, một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Để tháo gỡ những khó khăn này, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Cần có thêm các chính sách hỗ trợ tài chính hấp dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và lắp ráp xe điện trong nước, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống trạm sạc phủ khắp TP, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng xe điện.
Khuyến khích người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện không chỉ là giải pháp trước mắt để cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội mà còn là định hướng dài hạn cho một đô thị xanh và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự đồng hành của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Hà Nội đang đi đúng hướng, nhưng hành trình này sẽ cần thêm nhiều nỗ lực và sự cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên.
Bụi mịn PM2.5 liên tục vượt ngưỡng là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc bệnh mãn tính. Hà Nội đang đối mặt với một cuộc "khủng hoảng không khí" mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau" - TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam