Tiền lương thấp, 3 tháng có 64 cuộc đình công
Có lẽ ai cũng hiểu, CNLĐ phải được đảm bảo cuộc sống, làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc; do đó họ cần được đảm bảo tiền lương để chi trả cho sinh hoạt của bản thân và gia đình. Thế nhưng, thực trạng đời sống người lao động (NLĐ) qua khảo sát thực tế tại DN và nhu cầu tăng lương, thu nhập, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện tháng 4/2022 đã chỉ ra: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ làm thêm giờ.
Không chỉ vậy, từ năm 2020 dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều người bị mất việc làm, giảm thu nhập, trong khi lại phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh cộng với giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao dẫn đến bị cạn kiệt tiền. Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có tới 64 cuộc đình công (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước) yêu cầu chủ sử dụng lao động tăng lương cơ bản, phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ tiền thuê nhà, xăng xe, phụ cấp nuôi con nhỏ…để giảm bớt khó khăn.
Nhìn những đoàn công nhân đi xe máy từ khu vực có dịch Covid-19 về quê nhưng phía trước chỉ có bao tải đựng quần áo, tư trang, phía sau chở vợ, con và ít đồng tiền cuối cùng khiến nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn PGS.TS Vũ Quang Thọ vô cùng xót xa. “Công nhân tạo ra lợi nhuận, sức sống cho DN nhưng đồng lương thấp đến đáy. Trong khi ở các quốc gia khác giá tiền công lao động đang lên cao còn ở nước ta chỉ có 5,5 – 6 triệu đồng/tháng. Vì tiền lương thấp nên CNLĐ rất khó để tự đào tạo và tham gia chương trình đào tạo, dẫn đến trình độ thấp… vì thế rất cần phải tăng lương” – ông Vũ Quang Thọ bức xúc nói.
Trong khi đó, TS Đỗ Quỳnh Chi đến từ Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động đặt vấn đề tăng lương trong hoàn cảnh kinh tế xã hội và thị trường lao động Việt Nam là câu chuyện “Win – Win”. Tức là, NLĐ được hưởng mức lương cao hơn và DN cũng được hưởng lợi nhiều hơn. Nghiên cứu, khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động trong hơn 2 năm Covid-19 qua, được thực hiện vào tháng 9/2021, tập trung vào các ngành chế biến – chế tạo thâm dụng lao động và định hướng xuất khẩu, đã chỉ ra: NLĐ không chỉ khổ về vật chất, kinh tế, sức khỏe mà tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Tỷ lệ bạo lực gia đình của các nữ công nhân ngành may và da giày lên tới 58%, tăng gấp đôi so với trước đây. Đó là những lý do khiến 60% lao động ở khu vực miền Nam quyết định bỏ về quê ngay sau khi Chính phủ dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Hai giải pháp để có nguồn tăng lương
Thực tế, không phải đợi đến khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp về tăng lương tối thiểu vùng, mà từ cuối năm 2021 đã có nhiều DN đã chủ động tăng lương cho NLĐ. Bà Đỗ Quỳnh Chi thông tin, các DN da giày và Dệt may ở miền Bắc và miền Trung đã tăng khoảng 10% tổng thu nhập. Trong khi đó, các công ty ở miền Nam dù rất khó khăn nhưng đã tăng lương 5% để giữ chân lao động.
Trợ lý Giám đốc Công ty May Việt Pacific Nguyễn Tràng Huy cho biết, thời gian 2 năm dịch bệnh Covid-19, đã có một số lao động nghỉ việc, một số sang chỗ khác làm việc, nhiều NLĐ đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Công ty từ chỗ có 1.500 lao động nay giảm xuống còn 1.200 người. “Bằng mọi giá, chúng tôi ổn định sản xuất, tạo việc làm cho công nhân. Tuy lương chưa được điều chỉnh trong 2 năm nay nhưng về cơ bản Công ty May Việt Pacific đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Công ty cho rằng tăng lương từ ngày 1/7/2022 hoàn toàn khả thi và cố gắng phấn đấu năm nay lương của công nhân là 7,5 triệu đồng” – ông Tràng Huy cho hay.
Trong khi đó, đại diện Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị thông tin về việc, hai năm nay đơn vị này đã cải tiến tiền lương để nâng thu nhập cho NLĐ chứ không phụ thuộc vào tăng lương tối thiểu vùng. Do đó, mức thu nhập bình quân năm 2020, 2021 của NLĐ là 11,5 triệu đồng. Công ty đang xây dựng đóng BHXH trên lương gốc; nếu lương tối thiểu vùng tăng 6% thì mỗi năm đóng thêm 500 triệu đồng BHXH cho 420 cán bộ, công nhân, cũng nằm trong dự tính chi phí có thể chi trả được.
Có nhiều DN đang băn khoăn về việc đã tăng lương trước cho NLĐ; nếu Chính phủ đồng ý điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thì phần “nhô lên” của quỹ lương trong 6 tháng cuối năm này, sẽ lấy từ nguồn nào? Để giải quyết bài toán tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, TS Đỗ Quỳnh Chi đưa ra hai phương án, thứ nhất, các DN trong nước đoàn kết với nhau thương lượng với các hiệp hội, nhãn hàng quốc tế để đề nghị tăng giá đơn hàng. Thứ hai, hiện tại, lương tối thiểu mới chỉ chiếm khoảng từ 60% lương thu nhập của NLĐ đối với hệ thống lương thời gian và khoảng 40% thu nhập của công nhân với hệ thống lương sản phẩm. Hiện nay các DN đang cố tình “neo” ở mức trên rất nhỏ so với lương tối thiểu. Vì thế, để tránh bị động phải nâng lương, các công ty nên đưa một phần tăng lương của mình vào lương cơ bản và công nhân được hưởng lợi khi mức đóng BHXH cao hơn.
Kết quả khảo sát các nhãn hàng, cho thấy: Năm 2022 đơn giá ngành da giày tăng khoảng 5 – 10%, ngành dệt may tăng 3%; đồng nghĩa với các DN có nguồn để tăng lương cho NLĐ. Tăng lương là hoàn toàn chính đáng bởi là khoản đầu tư sinh lời lớn giúp NLĐ có thêm động lực để làm việc năng suất, chất lượng hơn; về phía DN phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.