Giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa khởi xướng và tổ chức từ năm 2005 với sự tham gia bầu chọn của báo giới toàn quốc. Bắt đầu từ năm 2023, Giải thưởng đã mở rộng quy mô sang lĩnh vực thể thao, để trở thành một hệ sinh thái mới mang tên Cống hiến, gồm 2 hệ thống giải là: Giải Âm nhạc Cống hiến và Giải Thể thao Cống hiến.
Đây là giải thưởng do Hiệp hội Xúc tiến Ngành Văn hóa & Giải trí (Culture & Entertainment Industries Promotion Association CEIPA) của Nhật Bản chịu trách nhiệm tổ chức và vận hành. (CEIPA là hiệp hội do 5 thành phần tổ chức lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản - bao gồm các công ty thu âm, công ty quản lý nghệ sĩ, nhà xuất bản âm nhạc và đơn vị tổ chức hòa nhạc - hợp tác thành lập).
Giải Cống hiến lần thứ 19 năm 2025 cải tiến phương thức bình chọn. Nếu như trước đây, Giải Âm nhạc Cống hiến chỉ có sự tham gia của báo giới, thì từ 2023, giải đã thu thập thêm những ý kiến đánh giá từ Hội đồng bầu chọn và đặc biệt là từ đông đảo công chúng thông qua các hình thức bình chọn rộng rãi, công khai, phù hợp với "kỷ nguyên số".
Lễ trao giải thưởng Âm nhạc Nhật Bản năm nay sẽ diễn ra vào ngày 21 - 22/5/2025 tại Nhà hát ROHM ở Kyoto với 6 hạng mục chính, bao gồm "Bài hát châu Á hay nhất" nhằm tôn vinh những tác phẩm xuất sắc trong khu vực, cùng với 60 hạng mục phụ khác.
Được phát sóng trên đài NHK - đài truyền hình quốc gia Nhật Bản, Lễ trao giải cũng sẽ được phát trực tiếp trên toàn cầu trên nền tảng YouTube. Với thông điệp cốt lõi "Kết nối thế giới, soi sáng tương lai của âm nhạc", đây không chỉ là một giải thưởng của Nhật Bản dành riêng cho khán giả Nhật Bản, mà còn tạo ra một nền tảng quốc tế, đặc biệt dành cho các nghệ sĩ châu Á. Theo định hướng toàn cầu này, các thành viên tham gia bình chọn sẽ không chỉ đến từ Nhật Bản mà còn đến từ khắp nơi trên thế giới.
Thiết lập quan hệ đối tác với Giải thưởng Âm nhạc Nhật Bản, Ban tổ chức Giải Cống hiến sẽ tham gia với tư cách là thành viên bỏ phiếu của giải thưởng này. Ngoài ra, hàng năm sẽ phối hợp với phía đối tác CEIPA để giới thiệu một nghệ sĩ Việt Nam (được chọn từ hạng mục chính và các hạng mục khác do hai bên thống nhất) để CEIPA trao Giải thưởng Đặc biệt quốc tế (International Special Award) tại Giải thưởng Âm nhạc Nhật Bản.
Bên cạnh đó, hằng năm, Lễ trao Giải Cống hiến cũng sẽ mở rộng cánh cửa để giới thiệu và trao Giải thưởng Đặc biệt quốc tế cho một nghệ sĩ Nhật Bản (được chọn từ hạng mục chính và các hạng mục khác do hai bên thống nhất).
Ông Taro Kumabe, Giám đốc Điều hành của Ủy ban Giải thưởng Âm nhạc Nhật Bản 2025 - thành viên hội đồng của Liên đoàn Nhà sản xuất Âm nhạc Nhật Bản - một trong 5 tổ chức vận hành CEIPA - chia sẻ: "Tại Việt Nam, chúng tôi đang trao đổi với Ban tổ chức Giải thưởng Cống hiến để tiến tới một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Chúng tôi rất mong muốn có sự tham gia của các chuyên gia trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam".
Ngoài Giải Ấn tượng Cống hiến và Giải Nghệ sĩ truyền cảm hứng, năm nay còn có những hoạt động bên lề ý nghĩa như trao Kỷ niệm chương nhằm ghi nhận, vinh danh các cá nhân, tập thể tổ chức được các hoạt động âm nhạc có sức lan tỏa, truyền cảm hứng và để lại ấn tượng sâu sắc đối với công chúng và giới chuyên môn.
Lễ trao giải Cống hiến lần 19 - 2025 dự kiến diễn ra vào tối 5/3/2025 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, sẽ được phát sóng trực tiếp trên các nền tảng số. Các đơn vị hỗ trợ, đồng hành: Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Đa phương tiện (5G Network), Bvote, CKC Entertainment, IB Group.
Với sự mở rộng sang lĩnh vực thể thao, bắt đầu từ năm nay, bên cạnh logo "đàn đáy" và cúp "chim hoạ mi" truyền thống của Giải Âm nhạc Cống hiến, còn có logo và cúp riêng cho Giải Thể thao Cống hiến.
Đặc biệt, nhân dịp 20 năm Giải Cống hiến, Ban tổ chức đã đặt riêng một chiếc cúp Cống hiến với hình chim hoạ mi, được dát vàng quỳ theo "chuẩn" truyền thống để đem đấu giá nhằm ủng hộ chương trình thiện nguyện "Vì mái trường cho em" của báo Thể thao và Văn hóa.
Dưới đây là thông tin chi tiết về các đề cử của Giải Âm nhạc Cống hiến và Giải Thể thao Cống hiến:
Mùa giải năm nay, Ban tổ chức công bố top 5 đề cử chính thức gồm 50 đề cử của 10 hạng mục, để công chúng bình chọn trên hệ thống Bvote từ 15h30' ngày 13/02/2025 đến 21h30' ngày 28/02/2025, kết hợp với kết quả bỏ phiếu của các nhà báo tìm ra người chiến thắng trên mỗi hạng mục.
Đó là đề cử có điểm số cao nhất dựa trên điểm số từ các nhà báo và công chúng bầu chọn (công chúng chiếm 50%, các nhà báo chiếm 50%). Trường hợp có 2 hoặc nhiều đề cử cùng số điểm, Ban tổ chức sẽ quyết định bằng phiếu bầu của mình.
Một phần tiền thu được từ việc bình chọn Cống hiến trên Bvote sẽ dành ủng hộ chương trình "Vì mái trường cho em" của báo Thể thao và Văn hóa.
Top 5 đề cử chính thức gồm 50 đề cử của 10 hạng mục
I. ALBUM CỦA NĂM
Cam'on - Orange
Bật nó lên - SOOBIN
Bảo tàng của nuối tiếc - Vũ.
Multiverse (Đa vũ trụ) - Tùng Dương
Nụ cười - Nguyên Thảo
II. CHƯƠNG TRÌNH CỦA NĂM
SKYNote - Quốc Thiên
Bức Tường Unplugged - Cơn mưa tháng năm (Ban nhạc Bức Tường)
Người đàn ông hát - Tùng Dương
Có đôi lần - Đức Trí
Bảo tàng của nuối tiếc - Vũ.
![Chương trình truyền hình "Anh trai say hi" (Vie Channel). Ảnh: Báo Tin tức.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/13/anh-trai-say-hi-thumbnail.jpeg)
III. CHUỖI CHƯƠNG TRÌNH CỦA NĂM
Chương trình truyền hình Anh trai say hi (Vie Channel)
Live concert Anh trai vượt ngàn chông gai (Yeah1)
Festival Âm nhạc Quốc tế HOZO 2024 (BTC kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP.HCM và các đơn vị liên quan)
Giao lộ thời gian (FPT Play)
Our song Việt Nam (VTV - Đông Tây Promotion)
IV. NHÀ SẢN XUẤT CỦA NĂM
Hứa Kim Tuyền
SlimV
JustaTee
Drum7
Nguyễn Hữu Vượng
V. NHẠC SĨ CỦA NĂM
Trang Pháp
Phan Mạnh Quỳnh
Tăng Duy Tân
Võ Thiện Thanh
Vũ.
VI. BÀI HÁT CỦA NĂM
Đừng làm trái tim anh đau - Sơn Tùng M-TP
Đi giữa trời rực rỡ - Ngô Lan Hương
Tái sinh - Tùng Dương
Bình yên - Vũ.
Khát vọng là người Việt - (Nguyễn Thương, Mr.T - JustaTee, Captain Boy)
VII. MUSIC VIDEO CỦA NĂM
Nhạc của rừng - Đen, Hiền VK
Giá như - SOOBIN
Đừng làm trái tim anh đau - Sơn Tùng M-TP
Gối gấm - Phương Mỹ Chi
Không ra gì - Trúc Nhân
VIII. NGHỆ SĨ MỚI CỦA NĂM
NÂN
Liu Grace
52Hz
marzuz
Dương Domic
IX. NỮ CA SĨ CỦA NĂM
Trang Pháp
Hồng Nhung
Uyên Linh
Orange
Phương Mỹ Chi
X. NAM CA SĨ CỦA NĂM
HIEUTHUHAI
SOOBIN
Tùng Dương
Sơn Tùng M-TP
Quốc Thiên
Giải Thể thao Cống hiến gồm 4 hạng mục: Gương mặt thể thao của năm, Chiến tích thể thao của năm, Gương mặt Trẻ thể thao của năm và Khát vọng Cống hiến. Qua đó, nhằm tôn vinh cá nhân hoặc tập thể có việc làm, hành động, đóng góp nổi bật trong công tác xã hội hóa thể thao, khơi gợi niềm đam mê, truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng, góp phần khích lệ sự phát triển của phong trào thể thao trên toàn quốc.
Theo quy chế giải, hạng mục Chiến tích thể thao của năm và Khát vọng Cống hiến sẽ do Hội đồng bầu chọn của Giải Thể thao Cống hiến chọn lựa và quyết định trao giải căn cứ trên đề cử của Ban tổ chức.
Hạng mục Gương mặt thể thao của năm và Gương mặt Trẻ thể thao của năm được khởi động bình chọn trực tuyến cho người hâm mộ trên chuyên trang của Giải thưởng Cống hiến 2025 (https://giaithuongconghien2025.bvote.vn/) với quy trình như trên.
Căn cứ trên kết quả bình chọn trực tuyến của người hâm mộ kết hợp cùng kết quả bỏ phiếu của Hội đồng bầu chọn, xác định kết quả cuối cùng của 2 hạng mục Gương mặt thể thao của năm và Gương mặt Trẻ thể thao của năm. Trong đó, 01 chủ nhân của giải thưởng ở mỗi hạng mục là đề cử có điểm số cao nhất dựa trên điểm số từ Hội đồng bầu chọn và số lượt bình chọn của công chúng quy ra điểm (công chúng chiếm 50%, Hội đồng bầu chọn chiếm 50%).
Top 3 đề cử chính thức Giải thưởng Thể thao Cống hiến 2025
I. CHIẾN TÍCH THỂ THAO CỦA NĂM (xếp theo ABC)
1. Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành hạng ba giải FIVB Challenge Cup (thành tích nổi bật: Vô địch giải châu Á - AVC Challenge Cup; Hạng Ba giải thế giới FIVB Challenge Cup; Giành suất tham dự giải vô địch thế giới 2025)
2. Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia giành chức vô địch ASEAN Cup 2024 (thành tích nổi bật: Vô địch ASEAN Cup 2024 với 7 trận bất bại và lần thứ 3 lên ngôi ở giải đấu số 1 khu vực)
3. Đội tuyển Bóng đá Futal nữ quốc gia giành chức vô địch Đông Nam Á (thành tích nổi bật: Vô địch giải AFF C tại Philippines; Vô địch giải giao hữu quốc tế NSDF Women's Futsal Championship 2024 tại Thái Lan; Á quân giải giao hữu quốc tế CFA Cup Women's Futsal Tournament 2024 tại Trung Quốc)
II. GƯƠNG MẶT THỂ THAO CỦA NĂM (xếp theo ABC)
1. Lê Văn Công (Cử tạ) - Thành tích nổi bật: HCĐ Paralympic Paris 2024. 3 lần liên tiếp giành huy chương tại Paralympic; 2 HCV, 1 HCĐ tại Cúp Cử tạ người khuyết tật thế giới tại Dubai và Thái Lan
2. Nguyễn Xuân Son (Bóng đá) - Thành tích nổi bật: - Cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2023/2024; Vua phá lưới V-League và lập kỷ lục ghi 31 bàn thắng mùa giải 2023/2024; Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới ASEAN Cup 2024
3. Trịnh Thu Vinh (Bắn súng) - Thành tích nổi bật: HCV giải vô địch châu Á nội dung 10m súng ngắn hơi hỗn hợp; Hạng 4 chung cuộc Olympic Paris 2024 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
III. GƯƠNG MẶT TRẺ THỂ THAO CỦA NĂM (xếp theo ABC)
1. Nguyễn Thị Hương (Canoeing) - Thành tích nổi bật: Giành suất dự Olympic Paris 2024; HCV giải vô địch châu Á; 1 HCV giải vô địch U23 châu Á; 3 HCV vô địch Đông Nam Á
2. Võ Thị Mỹ Tiên (Bơi) - Thành tích nổi bật: HCV giải vô địch các nhóm tuổi châu Á; 9 HCV giải VĐQG và 7 HCV giải VĐQG bể 25m; 7 HCV giải vô địch trẻ quốc gia; Giành suất đặc cách tham dự Olympic Paris 2024.
3. Trần Thị Nhi Yến (Điền kinh) - Thành tích nổi bật: 2 HCB nội dung 100m và 200m nữ giải vô địch điền kinh U20 châu Á; Giành suất đặc cách dự Olympic Paris 2024.