Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Giải cứu”đăng kiểm cuối năm

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự quá tải của hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua một phần bắt nguồn từ việc nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa do có sai phạm.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, hoạt động đăng kiểm trong nhiều năm luôn tồn tại những bất cập không nhỏ về chính sách. Chính những bất cập này đã và đang trở thành rào cản không đáng có cho chủ phương tiện cũng như các đơn vị đăng kiểm.

Bỏ quy định ô tô mới phải đăng kiểm

Một trong những bất cập lớn nhất chính là quy định ô tô mới vẫn phải đăng kiểm. Bất cập ở chỗ, bất kỳ chiếc ô tô nào khi xuất xưởng và tung ra thị trường đều phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng phương tiện cũng như khí thải. Vậy tại sao vẫn phải đi đăng kiểm?

Đây là câu hỏi được nhắc đến rất nhiều trong suốt những năm qua. Mới nhất, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội một lần nữa nhắc lại. “Việc một chiếc ô tô mới 100% khi được xuất xưởng thì các hãng xe đã phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng trước khi lăn bánh. Thế nhưng, những chiếc xe này vẫn bắt buộc phải mang đi kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được ra đường. Đây là quy định rất tréo ngoe, vô lý” – đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Nhiều trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì sai phạm khiến các trung tâm còn lại luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hồng Quý
Nhiều trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì sai phạm khiến các trung tâm còn lại luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Hồng Quý

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm và cho rằng, việc bắt người mua xe mới đi đăng kiểm lần đầu để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn phương tiện là sai chủ thể, không công bằng. Bởi vì người mua là người tiêu dùng, không phải nhà sản xuất. Đúng ra, xe xuất xưởng mới, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các tiêu chuẩn chất lượng chứ không thể bắt người mua phải đi đăng kiểm, đây là quy định rất vô lý.

TS Phan Lê Bình – Chuyên gia giao thông cho rằng, các trung tâm đăng kiểm nên quản lý chất lượng phương tiện bằng thông số kỹ thuật chứ đừng nên quản lý dựa trên nguồn gốc phụ tùng. Việc truy xét phụ tùng mà phương tiện đó sử dụng là chính hãng hay không chính hãng sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực. Thậm chí cách làm này vô hình trung còn gây ra khó khăn cho chủ xe cũng như DN vận tải nếu như phương tiện họ sử dụng có tuổi thọ trên 10 năm. Bởi tìm phụ tùng nguyên bản cho những phương tiện này là điều không hề đơn giản.

“Cởi trói” cho các trung tâm đăng kiểm có sai phạm

Trước tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua, mới đây, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Công an xem xét và có ý kiến với công an địa phương rà soát, trong trường hợp không ảnh hưởng đến công tác điều tra, cho phép các trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng hoạt động được tạm thời hoạt động trở lại, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm thiết yếu của người dân và DN.

Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, đồng thời chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có kế hoạch, sắp xếp nhân lực, thiết bị máy móc đảm bảo đáp ứng ngay khi các trung tâm đăng kiểm được phép hoạt động trở lại; phối hợp cùng công an các địa phương để thống nhất phương án triển khai thực hiện trong quá trình chỉ đạo điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm theo đúng quy định của pháp luật.

Đề xuất trên nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia khi họ cho rằng các đơn vị vi phạm là con người chứ không phải cơ sở vật chất nên chỉ cần xử lý cá nhân, tập thể vi phạm theo pháp luật, còn cơ sở vật chất cho phép hoạt động để giải quyết cho nhu cầu đăng kiểm của người dân. Tuy nhiên, để các trung tâm đăng kiểm sai phạm có thể hoạt động trở lại vẫn còn rất nhiều việc phải bàn.

TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông cho biết, đề xuất cho phép các trung tâm đăng kiểm sai phạm hoạt động trở lại cần được nhìn nhận trên nhiều góc độ. Đứng trên quan điểm an toàn giao thông thì đây là việc cần thiết. Còn đứng trên quan điểm bảo vệ pháp luật, điều này lại liên quan đến rất nhiều vấn đề như nhân chứng, vật chứng, tài liệu điều tra...

“Do đó, để có câu trả lời thấu đáo nhất cho vấn đề này, đại diện Bộ Công an và Bộ GTVT cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.

Hiện nay vấn đề đăng kiểm đang rất nóng. Do nhiều trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa vì có sai phạm khiến cho các trung tâm còn lại rơi vào tình trạng quá tải. Nhu cầu đăng kiểm xe của người dân là chính đáng và cần thiết. Bởi một khi phương tiện đã hết hạn đăng kiểm, bắt buộc phải đem phương tiện đó đi đăng kiểm lại. Nếu không thể đăng kiểm đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Do đó, theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Hữu Đức, cho phép các trung tâm đăng kiểm có sai phạm được hoạt động trở lại để giải quyết nhu cầu của người dân và xã hội là điều rất cần dược xem xét, cân nhắc. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến quy định pháp luật nên có thực hiện được hay không tùy thuộc vào Bộ Công an cũng như quá trình trao đổi, làm việc giữa Bộ Công an và Bộ GTVT.

“Ngành công an sẽ phải rất thông cảm với ngành giao thông thì họ mới có thể thông cảm được. Bởi nếu xét về luật, rõ ràng họ làm đúng” – TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.

 

Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần phải xem xét lại quy định trên bởi đã là xe mới thì không cần phải kiểm định. Lấy ví dụ tại Thái Lan, quốc gia này cho phép những phương tiện kiểm định lần thứ nhất là 3 năm. Tức là chiếc xe mới xuất xưởng sẽ chỉ phải kiểm định lần đầu sau 3 năm sử dụng. Thậm chí, có quốc gia còn cho phép thời gian này kéo dài tới tận 6 năm.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kết quả nổi bật trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đại tá Chu An Thanh (Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hà Nội) cho biết, bằng các nghiệp vụ, từ ngày 8 -13/1, lực lượng chức năng đã phát hiện sai phạm tại 10 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hà Nội. Các trung tâm có sai phạm, gồm: 2914D, 2918 D, 3302S, 2923D, 2901S, 3301S, 2929D, 2906V, 2901V, 2902S nằm trên địa bàn các quận, huyện: Thanh Oai, Sơn Tây, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm...

"Các đối tượng nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi của xe đến đăng kiểm. Điển hình như xe không đủ tiêu chuẩn để đăng kiểm, gắn cảm biến, đo nồng độ khí thải của xe ô tô khác, đánh tráo để đủ đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, các đối tượng dùng phần mềm để thay đổi thông số kiểm định, chỉnh sửa trên máy tính để giảm kích thước của thùng xe, trái với thực tế..." - Đại tá Chu An Thanh thông tin.

Cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, số tiền nhận hối lộ của các đối tượng từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tùy theo loại lỗi. "Tổng số tiền thu lời bất chính trong các vụ việc này là khoảng 20 tỷ đồng" - Đại tá Chu An Thanh cho biết.

Đến nay, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 4 vụ án, 18 bị can liên quan đến những vi phạm tại các trung tâm đăng kiểm. Trong đó, 3 người là giám đốc, một người là phó giám đốc và 14 đăng kiểm viên. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang tạm giữ 57 giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên khác để điều tra.