Đại biểu Quốc hội: cần có chế tài xử lý người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Kinhtedothi - Sáng 10/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Các đại biểu quan tâm nhiều đến quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và chế tài xử lý đối với người nổi tiếng; cơ chế quản lý người nổi tiếng, "người có ảnh hưởng" tham gia quảng cáo.
Đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm quảng cáo
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ đồng tình khi dự thảo Luật lần này quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, người truyền tải sản phẩm quảng cáo là những người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo bởi tác động trực tiếp của nó đến tính mạng, sức khoẻ của người dân.

“Tôi đề nghị nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng; rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý nhất là những người có ảnh hưởng” - đại biểu đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng cần có cơ chế quản lý nghiêm đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng. Những người này làm trong các cơ quan, tổ chức, khi họ vi phạm quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo sai sự thật thì các cơ quan, tổ chức đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ; xem xét trách nhiệm hội đồng thẩm định quản lý quảng cáo.
Siết chặt điều kiện, tiêu chí đối với người truyền tải quảng cáo
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) khẳng định, quảng cáo là một ngành kinh tế, đồng thời cũng là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng hiệu quả không thể tách rời vai trò của hoạt động quảng cáo. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo bên cạnh việc phải quy định chặt chẽ nhằm xử lý các hành vi vi phạm, chúng ta cũng cần tạo ra các “điểm mở” nhằm phát huy vai trò tích cực của quảng cáo.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu đồng tình với việc đưa vào khái niệm "người truyền tải quảng cáo", bao gồm "người có ảnh hưởng", tuy nhiên, hiện nay, định nghĩa và quy định về "người có ảnh hưởng" còn chưa rõ ràng. Theo Nghị định 55/2024 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người có ảnh hưởng thường là người có trình độ chuyên môn, có ảnh hưởng nhất định đến hành vi tiêu dùng, nhưng thực tế hiện nay lại phát sinh nhiều tình huống: người nổi tiếng (hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên) tham gia quảng cáo sản phẩm mà không hề có chuyên môn hay hiểu biết về sản phẩm đó, chỉ dựa vào hình ảnh để gây chú ý. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây hệ lụy cho người tiêu dùng.
"Tôi cho rằng, cần quy định rõ: chỉ những người có chuyên môn, năng lực liên quan trực tiếp đến sản phẩm, dịch vụ mới được phép thực hiện quảng cáo trong vai trò người truyền tải. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm soát như thời gian qua" - đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
Xem xét bổ sung quy định kiểm soát hoạt động quảng cáo trực tuyến

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, nếu chúng ta xác định người có ảnh hưởng là một chủ thể trong hoạt động quảng cáo thì cần quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của họ. Đồng thời, đề nghị siết chặt điều kiện, tiêu chí đối với người truyền tải quảng cáo, làm rõ các quyền và nghĩa vụ của họ theo hướng cụ thể, minh bạch hơn.
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý trong hoạt động quảng cáo đối với tất cả các nền tảng truyền hình trực tuyến, các trang tin tức, trang thông tin điện tử. Đồng thời, để công tác quản lý, kiểm soát đối với nội dung và hoạt động quảng cáo được chặt chẽ cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các trang tin điện tử đăng tải quảng cáo sai sự thật, không đúng theo công dụng, nội dung của sản phẩm; chế tài xử lý những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định yêu cầu các trang tin phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt quảng cáo trước khi đăng tải nội dung, thay vì chỉ dựa vào hệ thống quảng cáo tự động như hiện nay.

Cùng với đó, đại biểu nêu vấn đề, qua các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện vừa qua cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Nhưng thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả. Vậy yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, Kol có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hoá có thực sự khả thi. Việc thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào?... Đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để bảo đảm khả thi hơn.
Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ, trách nhiệm liên đới khi người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng quảng cáo sai.
Trích dẫn
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý điều 15a (khoản 8 điều 1 dự thảo Luật) như sau: khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; khoản 3 quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Kỳ vọng từ Luật Quảng cáo (sửa đổi)
Kinhtedothi - Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 vừa qua, Chính phủ đã xem xét và cơ bản thống nhất các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhưng cần tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.

Cử tri kiến nghị có chế tài mạnh xử lý người tham gia quảng cáo sữa giả, thuốc giả
Kinhtedothi - Sáng 18/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XV (Đơn vị bầu cử số 3) đã tổ chức tiếp xúc cử tri các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Người quảng cáo sữa giả có phải chịu trách nhiệm pháp lý?
Gần 600 loại sữa giả được tung ra thị trường vài năm qua khiến dư luận phẫn nộ, bởi nhiều sản phẩm được quảng cáo là dành cho trẻ em, người già, người có bệnh nặng.