3 nhóm nguyên tắc xây dựng phương án
Theo phương án công bố, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.
2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Với 2 môn lựa chọn, thí sinh sẽ chọn 2 trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Môn Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Vì là năm đầu tiên học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT nên nội dung thi bám sát nội dung Chương trình mới.
Tại buổi họp báo, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ 3 nhóm nguyên tắc trong xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thứ nhất, phương án này bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật, Nhà nước, ngành GD&ĐT, các ngành liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT, theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội và tạo sự đồng thuận của xã hội.
Thứ hai, phương án bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành; bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Thứ ba, phương án đảm bảo tính kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 - 2023. Chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.
Theo Bộ GD&ĐT, sau khi ban hành Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án thi. Từ năm 2019, Ban Xây dựng phương án thi gồm đầy đủ thành phần được thành lập. Các bước từ xây dựng, xin ý kiến, quyết định phương án đều bảo đảm đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT (trong tháng 6). Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Bộ GD&ĐT vẫn giữ vai trò chỉ đạo chung, UBND các tỉnh thành tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương.
Phương án thi được thực hiện từ năm 2025.Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.
Giải đáp nhiều vấn đề nóng
Tại cuộc họp báo, nhiều thắc mắc xung quanh phương án thi đã được đại diện Bộ GD&ĐT giải đáp.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, thí sinh có được thi quá 2 môn lựa chọn hay không? Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Với phương án 2+2, trước mắt chưa cho phép thực hiện việc thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn. Thực tế, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết. Với phương án thi này, thí sinh rất rộng đường khi chọn các môn lựa chọn, do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký lựa chọn môn thi.
Thí sinh có được phép đăng ký môn thi lựa chọn khác môn đã lựa chọn ở bậc THPT hay không? Theo quy định của Bộ, 2 môn lựa chọn tại kỳ thi là 2 trong số các môn lựa chọn học sinh đã học ở lớp 12 bậc THPT. Việc này có ý nghĩa trong việc kiểm định chất lượng giáo dục - một trong những mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về thời gian công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Nguyên tắc thì khi học sinh thi tốt nghiệp năm 2025 học lớp 12 mới có đề minh họa. Hiện lứa học sinh này đang học kỳ 1 của lớp 11. Tuy nhiên, đánh giá việc có đề minh họa có vai trò quan trọng trong việc dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh nên lãnh đạo lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi. Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.
Trước thắc mắc về việc nếu thí sinh học chương trình cũ nhưng không đỗ tốt nghiệp năm 2024 thì sẽ thi tốt nghiệp vào năm 2025 theo đề nào? Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, vấn đề này thí sinh hãy yên tâm bởi các em học chương trình nào sẽ thi chương trình đó. Dù có thi tốt nghiệp lại với lứa học sinh học chương trình mới thì nội dung đề thi, cách thức ra đề thi của các em vẫn được thực hiện theo chương trình cũ.