Giải ngân vốn đầu tư công: Cần biện pháp quyết liệt

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội đang chậm tiến độ, không giải ngân vốn được do các khâu thủ tục quá phức tạp, kéo dài cộng với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Tiêu tiền cũng khó

Theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 1.843,7 tỷ đồng, bao gồm cả vốn ODA (dành cho 38 dự án), nhưng hiện mới giải ngân được 416,7 tỷ đồng, đạt 22,6%.

Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay, công tác triển khai thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn giao của Ban cơ bản đáp ứng so với mặt bằng chung của TP. Tuy nhiên, tiến độ triển khai tại một số dự án vẫn còn chậm, kết quả giải ngân chưa được như mong muốn.

Nút giao đường nối Nguyễn Xiển - Xa La chậm tiến độ nhiều năm vì người dân chưa được tái định cư.
Nút giao đường nối Nguyễn Xiển - Xa La chậm tiến độ nhiều năm vì người dân chưa được tái định cư.

Trong đó, có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, công tác đấu thầu, giải ngân các dự án… Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân chủ quan do quy trình thủ tục đối với các dự án nói chung còn khá phức tạp, hoặc do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cụ thể, theo quy định, các dự án khởi công mới phải thực hiện công tác thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu mới có thể thực hiện giải ngân. Có dự án phải thực hiện các thủ tục thỏa thuận cấp phép liên quan đến nhiều bộ, ngành, quy định trong lĩnh vực khác nhau, một công trình xin 3, 4 bộ rất mất thời gian.

Đơn cử như dự án cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên - giai đoạn 2 cần thi công thay thế đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép để mở rộng lòng đường. Dự án đã bị đình trệ rất lâu do vướng mắc với Bộ NN&PTNT trong việc thỏa thuận cấp phép thi công do liên quan đến đê cấp đặc biệt.

Hay như dự án đường vào Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, gặp khó khăn trong việc cấp phép thi công do liên quan đến phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai...

Bên cạnh đó, Ban QLDA giao thông đang phải chờ đợi mặt bằng để thi công đối với 8 dự án; 6 dự án khác đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn tồn tại một số vị trí cục bộ về mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm để hoàn thành.

Nhiều dự án còn chưa chuẩn bị được quỹ nhà, quỹ đất tái định cư theo tiến độ, chưa GPMB nên không triển khai được như: Dự án đường Liễu Giai - Núi Trúc, cầu Chiếc, đường gom cầu Giẽ - Phú Yên - Vân Từ, đường nhánh nối quốc lộ 1A với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...  Cá biệt có dự án tê liệt nhiều năm như tuyến đường nối Nguyễn Xiển - Xa La, do chưa chuẩn bị được nhà tái định cư cho người dân trong phạm vi nút giao, chưa thể di dời GPMB.

Quy trách nhiệm rõ ràng

Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, Ban đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đã được UBND TP giao.

Mặt khác Ban sẽ ra soát đề xuất UBND TP, Sở KH&ĐT điều chuyển vốn đối với các dự án giải ngân không đạt tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để tập trung thực hiện, giải ngân kế hoạch theo đăng ký.

Khu vực bị giải tỏa, tuy nhiên chưa thể di dời vì hạng mục nhà tái định cư cho người dân chưa hoàn thiện.
Khu vực bị giải tỏa, tuy nhiên chưa thể di dời vì hạng mục nhà tái định cư cho người dân chưa hoàn thiện.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển nhận định: “Phương án sử dụng đồng vốn một cách linh hoạt, điều chuyển từ nơi tồn đọng sang nơi “đói” vốn là hợp lý và rất thiết thực. Không thể để tiền nằm một chỗ trong khi nhu cầu vẫn bức thiết”.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung cần có các giải pháp căn cơ, chắc chắn, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, địa phương.

Đối với các khâu thủ tục liên quan đến dự án hạ tầng giao thông, bộ, ngành T.Ư cần rà soát lại, tinh gọn hơn nữa, rút ngắn thời gian, cắt bớt thủ tục rườm rà để đảm bảo tiến độ dự án. Đối với những dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực cần có chỉ đạo chung rõ ràng, phối hợp trong khâu cấp phép từ các bộ, ngành.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển nói: “Việc cấp phép cho các dự án, đơn vị nào thực hiện thì đơn vị đó nên phối hợp, lấy ý kiến bộ liên quan, nếu không thống nhất, báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo chung. Đẩy cho chủ đầu tư và nhà thầu đi làm thủ tục ở 3, 4 bộ sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp”.

Đặc biệt, GPMB hiện đang là một trong những nút thắt lớn nhất, gây khó khăn toàn diện cho các dự án hạ tầng nói chung, lĩnh vực giao thông nói riêng. Cần nhanh chóng tách GPMB ra thành dự án riêng, thực hiện độc lập, khi chủ đầu tư và nhà thầu dự án hạ tầng vào thi công là được nhận mặt bằng đã sạch mới đảm bảo tiến độ, tránh tồn tại kéo dài năm này sang năm khác.

Với các địa phương có trách nhiệm GPMB phục vụ dự án hạ tầng, cần quy trách nhiệm rõ, có biện pháp xử lý thích đáng với người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Khi chuẩn bị đầu tư dự án hạ tầng cần có sự tham gia của đại diện các địa phương liên quan để lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng về GPMB, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành.

Các chuyên gia cho rằng, hiện không ít địa phương còn chưa bắt kịp tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng, chưa chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư cho người dân trong phạm vi GPMB. TP cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao, vướng mắc do đâu, có giải pháp tổng thể để chấm dứt tình trạng “chậm dây chuyền” nói chung, không nên chạy theo những biện pháp ứng phó riêng lẻ với từng dự án như hiện nay.