Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp chống ngập cho đô thị Đà Nẵng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Đô thị Đà Nẵng ngập nặng là do cường độ mưa quá lớn đã vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống cống rãnh. Bên cạnh, còn nhiều nguyên nhân chủ quan đã được các chuyên gia mổ xẻ, từ đó đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề được toàn dân Đà Nẵng quan tâm.

Mổ xẻ nguyên nhân

Trong 2 năm liên tiếp, Đà Nẵng xảy ra tình trạng ngập lụt đô thị đáng báo động. Cụ thể, tháng 10/2022, Đà Nẵng xảy ra trận ngập lịch sử, toàn TP có gần 70.000 nhà dân bị ngập, hàng ngàn ô tô và xe máy hư hỏng, tổng thiệt hại vật chất sau trận mưa lũ gần 1.500 tỷ đồng. Tròn 1 năm sau, Đà Nẵng xảy ra hàng trăm điểm ngập sau đợt mưa lớn kéo dài. Dù mức độ ngập năm nay không như năm 2022 và thiệt hại cũng được hạn chế nhưng thực trạng đã đặt ra câu hỏi về những bất cập tại đô thị ven biển này.

Mổ xẻ nguyên nhân ngập đô thị Đà Nẵng, Kỹ sư Nguyễn Văn Chung -nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp Hội Đà Nẵng cho rằng: Mưa trong thời gian vừa qua là lịch sử, không có đô thị nào chịu nổi. Tuy nhiên, ngập ở Đà Nẵng thời gian không kéo dài và mức độ chưa đến mức trầm trọng. "Thoát nước Đà Nẵng là nhất nước nhưng ngập là bất khả kháng" - ông Chung nói.

Khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn. Ảnh: Quang Hải 
Khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn. Ảnh: Quang Hải 

Khách quan là vậy, còn về nguyên nhân chủ quan, theo ông Chung, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chắp vá, có những cống mương xây từ thời Pháp, Mỹ bằng gạch vòm. Hệ thống cống ở những khu vực lõi trung tâm TP vẫn chưa làm lại. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng mới xử lý có vẻ chưa phù hợp, chưa triệt để.

Đặc biệt theo ông Chung, mặt phủ của TP Đà Nẵng đã bị bê tông hóa, mật độ quá cao. Trong khi đó, các khu vực chứa nước quá nhỏ bé, ví dụ các hồ điều tiết trên địa bàn. Ngoài ra, công tác duy tu bảo dưỡng vẫn chưa tốt. Công nghệ quản lý hệ thống cống ngầm rất lạc hậu.

Sở Xây dựng Đà Nẵng ngay sau khi xảy ra ngập đã đi khảo sát và chỉ ra những nguyên nhân. Theo đó, sở này cũng cho rằng, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Hơn nữa, các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống. Ngoài ra, hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm TP...  

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Hùng (khoa Xây dựng công trình thủy Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cho hay, nhiều tuyến đường giao thông tại Đà Nẵng như cao tốc, vành đai được xây dựng chắn ngang hướng dòng chảy như những con đê làm phân bố lũ ở lưu vực thay đổi. Hay như sông Phú Lộc nhỏ hẹp nhưng chịu áp lực tải nước trên tổng lưu vực 36 km2.

Đi tìm giải pháp

Từ những phân tích, mổ xẻ trên, Kỹ sư Nguyễn Văn Chung đề xuất Đà Nẵng cần bố trí thêm kinh phí hằng năm cho công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét hệ thống thoát nước. Đồng thời, Đà Nẵng cần khôi phục, nạo vét các hồ điều tiết ở sân bay vì nơi đây đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước.

Còn Tiến sĩ Lê Hùng cho rằng, TP cần sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông Đà Nẵng; xem xét đánh giá thẩm định thẩm tra kỹ các công trình giao thông gây cản trở dòng chảy lũ. Đồng thời, đánh giá chuẩn xác hơn các đồ án thiết kế quá trình thẩm định, thẩm tra những dự án thoát nước Đà Nẵng cần mở rộng.

Đường Hoàng Văn Thái của Đà Nẵng bị ngập trong đợt mưa vào tháng 10/2023 vừa qua. Ảnh: Quang Hải 
Đường Hoàng Văn Thái của Đà Nẵng bị ngập trong đợt mưa vào tháng 10/2023 vừa qua. Ảnh: Quang Hải 

Cùng với đó, Đà Nẵng cần phân chia lại lưu vực sông Phú Lộc ra thêm một cửa biển. Làm như vậy, nước từ cầu Đa Cô sẽ thoát ra được. Đồng thời, bố trí thêm nhiều cửa xả ra các sông, biển như mở các vị trí trên các tuyến đường Phùng Hưng, Hồ Quý Ly, Lý Thái Tông, vị trí Hà Khê ra biển, cửa xả đoạn từ Trần Thị Lý đến công viên Châu Á...

“TP Đà Nẵng cần phân vùng thoát nước theo các lưu vực cho hợp lý, phân chia lại trục thoát nước khu tượng đài 2/9, đường Núi Thành, đường 30/4, Phan Đăng Lưu... Mặc dù hệ thống cống thượng lưu có khả năng thoát nhưng lại bị ứ đọng tại các cửa thoát dẫn đến ngập như tại các cửa thu trạm bơm Ông Ích Khiêm, trạm bơm Thuận Phước... Bên cạnh đó, cần đánh giá lại hiệu quả các trạm bơm ứng với giai đoạn hiện nay, xem xét lại mực nước và lưu lượng đổ về của các trạm bơm” -  Tiến sĩ Lê Hùng đề xuất thêm giải pháp cụ thể.

Ông Phạm Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và thương mại Long Minh cho rằng, các hồ điều tiết lớn từ trung tâm Đà Nẵng đến quận Liên Chiểu đang không thực hiện được chức năng thoát lũ. Việc chuyển nước từ hồ này sang hồ kia bị tắc nghẽn tại một số vị trí. Quá trình tải nước từ nội thị ra biển qua các hồ điều tiết và hệ thống kênh rất xa, ngoằn ngoèo nên khả năng thoát nước hạn chế.

Vì thế, ông Tuấn đề xuất dùng bơm hút cạn nước tại 7 hồ điều tiết ở trung tâm Đà Nẵng và quận Liên Chiểu trước, trong khi mưa lớn. Tổng diện tích bảy hồ này khoảng 34,3 ha, chứa hơn 1,3 triệu m3 nước. Nếu bơm hút sẽ mất không quá 10 tiếng đồng hồ để hút cạn được tất cả nước trong 7 hồ. Làm như vậy sẽ tạo được một khoảng thu nước đủ lớn để tích nước chống ngập cho Đà Nẵng khi mưa lớn.

Về phía chính quyền, ông Trần Viết Dũng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thông tin thêm, hiện các khu vực có cao độ thấp hơn mực nước khống chế gồm: khu vực ven sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện, khu vực ven sông Cu Đê, khu vực ven sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Túy Loan - huyện Hòa Vang. Ngập toàn bộ các khu vực ở phía Nam bao gồm các xã Hòa Tiến, Hoa Châu, Hòa Phước và 1 phần xã Hòa Nhơn, Hòa Khương của huyện Hòa Vang.

Định hướng giải pháp về cao độ nền, ông Trần Viết Dũng cho rằng, đối với những khu vực đô thị cũ như Hải Châu, Thanh Khê và các khu vực đô thị mới đã được xây dựng (thuộc các quận Liên Chiểu, Nam Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), cần giữ lại cao trình hiện trạng. Tuy nhiên, cần có giải pháp nâng cao độ các kè hiện trạng dọc sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cu Đê, Vĩnh Điện lên đến cao độ mực nước khống chế, kết hợp với giải pháp bố trí trạm bơm và hồ điều tiết.

 

Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký,  Đà Nẵng sẽ triển khai 19 dự án cấp nước, thoát nước.

19 dự án cấp nước, thoát nước được đầu tư đến năm 2030 gồm: Nhà máy nước Hòa Liên, giai đoạn 2 Huyện Hòa Vang 2024-2030; phát triển mạng lưới cấp nước tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Hòa Liên; xây dựng tuyến ống cấp nước phía Đông Nam TP Đà Nẵng; Hệ thống thoát nước chống ngập úng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi sân bay Đà Nẵng (phía Tây sân bay Đà Nẵng, phía Đông sân bay Đà Nẵng, phía Nam sân bay Đà Nẵng); Tuyến cống thoát nước từ Bãi rác Khánh Sơn về Hoà Mỹ; Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên; Tuyến cống thoát nước đường Lê Tấn Trung và vùng lân cận.

Ngoài ra, đầu tư xây dựng các tuyến cống thoát nước mưa về sông Hàn cho lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An; Tuyến ống thu gom nước thải dọc đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đoạn từ cầu Đỏ đến QL14B; Hệ thống thu gom nước thải các khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Liên và phường Hòa Khánh Bắc về trạm xử lý nước thải Liên Chiểu;  Xây dựng hệ thống thu gom nước thải các khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành và khu vực Nam Ô...