Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế số trở thành nền kinh tế chính trong xã hội hiện đại; công nghệ là cơ hội nhưng cũng là rào cản với người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.

Lao động phi chính thức trình độ chuyên môn thấp, việc làm bấp bênh

Trong khuôn khổ Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024, ngày 30/7, Báo Kinh tế và Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”.

Ban tổ chức tặng hoa và cảm ơn các diễn giả. Ảnh: Duy Khánh.
Ban tổ chức tặng hoa và cảm ơn các diễn giả. Ảnh: Duy Khánh.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức đã thông tin về việc, hiện nay nước ta có khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 1,9%. Lao động nữ khu vực phi chính thức bị hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật và phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính trong xã hội hiện đại.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Duy Khánh.
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Duy Khánh.

Trong khi đó, những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành; những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Tạ Việt Anh phát biểu.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Tạ Việt Anh phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Tạ Việt Anh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%. Đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp; việc làm phi chính thức bấp bênh. Khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ CMCN 4.0... Đã có nhiều vấn đề thời sự đặt ra, cùng với đó là yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm 2013 cho phù hợp với thực tế.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội". Ảnh: Duy Khánh.
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội". Ảnh: Duy Khánh.

Để trang bị kỹ năng cho người lao động, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động, trong đó có lao động phi chính thức đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hơn 10 năm qua, nước ta đã đào tạo nghề cho người lao động, bình quân 1 triệu người/năm, trong đó, 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo. Người lao động qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn, tính đến năm 2020 chiếm khoảng 85%, đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. “Công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước chuẩn hóa lực lượng lao động, lao động di cư tự do không có tay nghề. Qua đó giúp người lao động phi chính thức có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn và ổn định hơn” - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH Đào Trọng Độ khẳng định.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề

Công tác đào tạo nghề cho người lao động, trong đó có lao động phi chính thức đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng năng suất lao động, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đào tạo cho lao động phi chính thức ở các làng nghề đang gặp khó khăn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam TS. Tôn Gia Hóa cho biết: Hiện nay cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, giải quyết được 11 triệu người lao động. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tại các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng cha truyền con nối, truyền tay chỉ việc nên khó thu hút người dân làng nghề tham gia học nghề.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH Đào Trọng Độ cho biết: Hơn 10 năm qua, nước ta đã đào tạo nghề cho người lao động, bình quân 1 triệu người/năm. Ảnh: Duy Khánh.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH Đào Trọng Độ cho biết: Hơn 10 năm qua, nước ta đã đào tạo nghề cho người lao động, bình quân 1 triệu người/năm. Ảnh: Duy Khánh.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trong đó có đào tạo nghề ngắn hạn. Tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng chia sử về việc số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 27.457 người đang kỹ tham gia hỗ trợ học nghề (chiếm 3,9%). Điều đáng mừng là những người lao động tham gia học nghề, đa số tìm được việc làm ở các DN, nhà hàng, khách sạn theo ngành nghề đã đăng ký; có những người tự khởi nghiệp.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu thông tin: Đa số những người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sau khi học nghề đã tìm được việc làm. Ảnh: Duy Khánh.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu thông tin: Đa số những người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sau khi học nghề đã tìm được việc làm. Ảnh: Duy Khánh.

Để thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động phi chính thức ở khu vực làng nghề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam TS. Tôn Gia Hóa đề xuất nên có một chế độ đặc biệt trong công tác dạy nghề. Đồng thời, có quy định đặc thù đối với làng nghề truyền thống, không yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng. Bởi trên thực tế, các nghệ nhân không có giáo trình mà truyền đạt, dạy bằng thực tế, truyền tay chỉ việc.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam TS. Tôn Gia Hóa đề xuất nên có một chế độ đặc biệt trong công tác dạy nghề ở làng nghề. Ảnh: Duy Khánh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam TS. Tôn Gia Hóa đề xuất nên có một chế độ đặc biệt trong công tác dạy nghề ở làng nghề. Ảnh: Duy Khánh.

Trong giai đoạn hiện nay, thị trường lao động Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu, già hóa dân số...Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đồng tình với việc trong nền kinh tế số, công tác đào tạo nghề cho lao động phi chính thức rất cần được ứng dụng công nghệ để thu hút người học.

Với câu hỏi, Bộ LĐTB&XH đã có đề xuất gì với Thủ tướng trong việc hỗ trợ người lao động đào tạo nghề, ông Đào Trọng Độ cho hay: Ngoài những chính sách đào tạo nghề đã có, tới đây, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ sửa đổi Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg. Đồng thời Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ ban hành các đề án như: Tăng cường đào tạo nghề nông thôn; Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; tăng cường ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động. Từ đó, trang bị cho người lao động kỹ năng tìm kiếm việc làm; bồi dưỡng kỹ năng, giúp người lao động thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi và nhu cầu của thị trường.

Ông Đào Trọng Độ cũng cho biết, năm 2024, Chính phủ đã đưa nội dung sửa đổi Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg vào chương trình công tác, đang xin ý kiến các cơ quan liên quan nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ cho các đối tượng và từng loại hình hỗ trợ.

 

Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tiếp cận từ góc nhìn việc làm với người lao động phi chính thức. Để các lao động phi chính thức Việt Nam có một công việc thỏa đáng, để xây dựng cho tương lai của họ và gia đình họ, chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách ở 3 mảng. Thứ nhất là bảo đảm an sinh xã hội để họ có một lưới nhất định. Thứ hai là có những định hướng rất rõ về nghề, nghề là như thế nào để có đủ thu nhập cho bản thân người lao động và cho gia đình họ. Thứ ba là đầu tư chăm sóc sức khỏe cho người lao động phi chính thức, đặc biệt là người phụ nữ trong làm việc, mang thai.

Bà Hoàng Phương Thảo - Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam