Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp gia tăng ngân sách cho phát triển hạ tầng đô thị

Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, TS Nguyễn Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia và tổ chức quốc tế tính toán, lượng vốn đầu tư hạ tầng đô thị phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội sẽ chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam. Vì vậy cần phải có giải pháp phù hợp để tạo nguồn lực tài chính cho quá trình này.

Tăng ngân quỹ từ nhiều nguồn 

Đô thị hóa và phát triển đô thị cần nguồn lực để phát triển. Các TP cần cung cấp cơ sở hạ tầng theo quy hoạch như hạ tầng giao thông, điện, nước, mạng lưới viễn thông, đường sắt, sân bay... cùng với những dịch vụ tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện, chợ…

Ở những nước có thu nhập cao, các TP tài trợ phần lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Ở những quốc gia này, doanh thu đô thị được tạo ra chủ yếu thông qua thuế, tài sản công như đất công và tài sản thuộc sở hữu công cộng khác.

Tại nhiều TP ở các nước đang phát triển, doanh thu đô thị do địa phương tạo ra hàng năm rất hạn hẹp, đòi hỏi trợ cấp từ chính quyền trung ương hoặc nguồn vốn vay từ thị trường tài chính trong nước, nước ngoài.

Cần phát huy giá trị gia tăng của đất đai để tạo nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng đô thị.
Cần phát huy giá trị gia tăng của đất đai để tạo nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng đô thị.

Có nhiều cách khác nhau mà các TP có thể tăng ngân quỹ, bao gồm những loại thuế về du lịch, thuế bất động sản, thuế đánh vào doanh nghiệp và khoản phí liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cụ thể. Điều này phụ thuộc vào khuôn khổ phân cấp, quy định pháp lý, kỹ thuật và rất khác nhau trong từng trường hợp.

Cách tiếp cận phát triển đô thị bền vững của Chương trình Nhân cư Liên hiệp quốc (UN-Habitat) dựa trên tam giác chính sách bao gồm phương thức tài chính, quy hoạch - thiết kế đô thị, quản trị đô thị để tạo nền tảng cho đô thị hóa bền vững.

Về tài chính, các TP cần khai thác những nguồn lực “nội sinh”, tài nguyên nằm trong tầm tay của TP, tài sản đất đai, năng lực sản xuất và chuyên môn tài chính. Chính quyền địa phương phải tìm cách liên kết việc tạo thu ngân sách với các hoạt động và tăng trưởng đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn.

Kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, có thể tạo nguồn lực phát triển đất đai, nhà ở, đô thị theo nguyên tắc thị trường. Tức là Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua, nhằm mục tiêu tái đầu tư vào hạ tầng, tiện ích xã hội. Đây chính là mô hình thiết chế công ty dịch vụ công do Nhà nước sở hữu và quản lý (ví dụ: Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc).

Các TP cần đảm bảo quyền tài sản thông qua đăng ký đất đai và có một hệ thống cho phép cập nhật định kỳ thông tin về tài sản, quyền sở hữu tài sản. Qua những công cụ này có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ thuế tài sản và “thuế cải thiện”, đồng thời hướng nguồn lực đó vào việc cải thiện nhà ở cho người dân, bù đắp thu nhập cho chủ sở hữu thông qua các mô hình tái cấu trúc đất đai. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất để có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn từ khu vực kinh tế.

Thể chế đóng vai trò quan trọng 

Những thách thức tài chính to lớn của các TP không thể được đáp ứng chỉ thông qua hành động của khu vực công. Khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự phát triển đô thị bền vững về mặt xã hội, kinh tế, môi trường. Có vô số cách để các thành phố làm việc với khu vực tư nhân để đạt được mục tiêu này, bao gồm cơ cấu hợp tác công - tư (PPP) khác nhau.

Hơn nữa, tài chính đô thị được cải thiện phải tích hợp với yếu tố khác của quản trị điều hành, quản lý đô thị thích ứng, bao gồm quy hoạch đô thị và khuôn khổ quản lý đô thị, nhằm hỗ trợ tất cả các bên liên quan hiện thực hóa tầm nhìn chung về đô thị. Quy hoạch, thiết kế đô thị thông qua việc tạo ra giá trị đô thị, có khả năng thúc đẩy môi trường sống đô thị bền vững, bao trùm, hiệu quả.

Đặc biệt, yếu tố thể chế đóng vai trò quan trọng trong hình thành cơ chế, quy định cũng như trong việc áp dụng và thực thi trong quy hoạch và quản lý các TP. Thể chế mạnh đi đôi với quản trị tốt. Luật pháp và cơ chế tạo ra khuôn khổ ổn định để tăng cường phát triển, tiến bộ kỹ thuật.

Trong quy hoạch đô thị, khung pháp lý yếu ảnh hưởng đến 3 thị trường chính là đất đai, nhà ở và tài chính; tất cả các thị trường này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Để có thị trường đất đai phù hợp, chính quyền địa phương phải có khả năng hỗ trợ việc tiếp cận các bất động sản thương mại và nhà ở với giá cả phải chăng trong khi duy trì mật độ thích hợp và sử dụng đất hỗn hợp.