Đảm bảo gió mát, dinh dưỡng cho người già, trẻ em
Bác sĩ Trần Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 166 đối tượng, trong đó có 80 người cao tuổi không có người chăm sóc và phụng dưỡng và 86 trẻ em tuổi không có nguồn nuôi dưỡng. Những ngày nắng nóng, Trung tâm đã chuyển hết các hoạt động ngoài trời vào trong hội trường và khu nhà của người cao tuổi, trẻ em. Buổi sáng, các cụ già và trẻ em tập thể dục sớm hơn so với thời gian trước để tránh ánh nắng mặt trời.
Bữa ăn hàng ngày của người cao tuổi và trẻ em được Trung tâm thay đổi khẩu vị và đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Thực đơn những ngày nắng nóng là những món dễ ăn, thanh mát như: canh chua, canh bí, chả cá, đậu phụ, thịt lợn rim,... Vào giữa buổi sáng, các cụ được uống nước chanh, bổ sung nước điện giải oserol; cụ nào sức khỏe yếu không tự uống được thì có nhân viên chăm sóc bón. Quà chiều của các cụ và trẻ em là chè (đỗ đen, đậu xanh, bột sắn dây) giúp giải nhiệt, giải độc và bổ dưỡng. Khi trời nắng nóng hơn, Trung tâm đã chuẩn bị các phòng có lắp điều hòa nhiệt độ và chuyển những cụ có sức khỏe yếu, mắc bệnh tim mạch, huyết áp sang nằm và phân công nhân viên y tế theo dõi sát sao.
“Hàng ngày, các trẻ em nhỏ tuổi đi học thì có cán bộ Trung tâm chở đến trường bằng xe máy, một số em lớn hơn tự đi xe đạp. Phòng ở của trẻ em cũng được trang bị những cái quạt, nhiều phòng có lắp máy điều hòa nhiệt độ. Nhờ thực hiện những giải pháp phòng chống nắng nóng nên sức khỏe của các cụ và trẻ em ổn định” – bà Trần Thị Hải cho hay.
Vừa đi mua đồ để chuẩn bị cho chương trình Tết Thiếu nhi 1/6, em Vương Quang Tùng chia sẻ: Em vào Trung tâm từ năm 2016, nơi đây như ở gia đình, nhưng có nhiều bố mẹ và các con nên tình cảm nhiều hơn. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời 43 - 44 độ thì trong phòng có các quạt, lúc bật điều hòa 27, 28 độ giúp cho chúng em học tập và hoạt động trong không gian thoáng mát.
Do được chăm sóc chu đáo nên sức khỏe của những người cao tuổi rất ổn định, mọi người vui vẻ ủng hộ sự điều chỉnh lịch sinh hoạt và hoạt động của Trung tâm trong những ngày nắng nóng. Cụ Nguyễn Văn Kỳ (sinh năm 1936), vào Trung tâm được 4 năm cho biết: Sáng nào cũng đi tập thể dục và đi bộ quanh sân 1 vòng. Nhờ được các cán bộ, nhân viên quan tâm chăm sóc, từ ngày vào đây, sức khỏe của tôi ổn định và không mắc bệnh gì.
Trang bị quạt hơi nước, điều chỉnh món ăn
Những ngày nắng nóng này, các hoạt động buổi ngày ở Làng trẻ em Birla (địa chỉ số 4 phố Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi nuôi dưỡng 80 em có hoàn cảnh đặc biệt, mất nguồn nuôi dưỡng, từ 3 đến 20 tuổi, đều được chuyển sang buổi chiều muộn và buổi tối.
Trước đó, để chuẩn bị phòng chống nắng nóng, Làng trẻ em Birla đã trang bị cho mỗi nhà thêm 1 quạt hơi nước; đồng thời giao cho phòng Hành chính rà soát và bảo dưỡng tất cả các quạt, vị trí của trẻ em nằm để đảm bảo các cháu đều được hưởng gió mát của quạt. Đồng thời, tổ chức phun thuốc muỗi, tổng vệ sinh để phòng chống sốt xuất huyết và các virut.
Do thiết kế của khu nhà được xây đã lâu theo kiểu Ấn Độ, không thể lắp máy điều hòa nhiệt độ nên khi các con đi học thì các mẹ lau ướt sàn để buổi tối không bị hấp hơi nóng. Trong 5 nhà, mỗi nhà đều có 2 quạt hơi nước, các phòng trong nhà có quạt trần và quạt treo tường, cơ bản đảm bảo mức mát tối thiểu cho các con.
Bà Trịnh Thanh Huyền – Giám đốc Làng trẻ em Birla cho hay, những ngày nắng nóng đỉnh điểm, phòng Chăm sóc nuôi dưỡng yêu cầu các mẹ nấu chè đậu xanh, đậu đen cho các con ăn. Trong tủ lạnh thường xuyên có chanh tươi để các mẹ, các anh chị lớn pha cho các em uống. Ngoài ra, mỗi ngày các con đều được uống sữa để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đối với những con đang ôn thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, buổi tối và buổi đêm được các mẹ pha cho nước chanh, bổ sung trái cây.
Món ăn những ngày nắng nóng cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Làng giảm bớt các món xào nấu và thay bằng món luộc, nấu nhiều canh đặc biệt là canh chua để trẻ em ăn hết suất, đảm bảo sức khỏe. Bà Phùng Thị Luyến (mẹ nuôi, Làng trẻ em Birla) cho biết, chúng tôi thường nấu những món để các con ăn ngon, ăn đủ và ăn hết. Ví dụ, bữa ăn trưa nay có món đậu nhồi thịt; có bữa chả lá lốt thịt lợn, canh chua.
“Buổi sáng sớm, chúng em dậy quét sân và tập thể dục. Buổi chiều, sau 16 giờ 30 phút, trời bớt nắng thì các con ra khu vui chơi, những bạn nam thì đá bóng. Trong phòng con có 2 người thì có 1 quạt trần và 1 quạt treo tường, cơ bản đủ mát” - em Chu Hương Lan chia sẻ.
Lãnh đạo các Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, Làng trẻ em Birla cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho người già và trẻ em, những ngày nắng nóng, họ đều chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Những sản phẩm dùng để chế biến các bữa ăn hàng ngày đều được mua ở nơi có nguồn cung cấp đảm bảo an toàn, thịt tươi sống, ăn bữa nào hết bữa đó và thực hiện nghiêm việc lưu mẫu thức ăn.