Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng cao đang khiến mơ ước có một căn nhà càng lùi xa đối với người trẻ. Để giảm giá căn hộ chung cư không chỉ là việc loại bỏ các rào cản pháp lý, mà còn cần tìm ra các giải pháp khác nhằm tăng nguồn cung.
Khảo sát thực tế của PV Lao Động tại thị trường Hà Nội, trong 2-3 năm trở lại đây, nhiều khu chung cư đã tăng giá gần gấp đôi.
Điển hình như một căn chung cư hai phòng ngủ ở dự án Hateco nằm trên đường 70 quận Nam Từ Liêm cuối năm 2019 có giá 1,4 - 1,5 tỉ đồng, nhưng đang được rao bán với giá 2,4 - 2,6 tỉ đồng.
Hay căn chung cư 3 phòng ngủ tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) hồi năm 2019 có giá khoảng 1,2 tỉ đồng, nhưng nay đã tăng lên gần 2 tỉ đồng.
Giá căn hộ chung cư khu vực Pháp Vân (quận Hoàng Mai) trước năm 2021 có giá chỉ khoảng 18 triệu đồng/m2, nhưng giờ đã tăng trên 30 triệu đồng/m2.
Chị Lê Thị Phương Liên (37 tuổi, ở Cầu Giấy) - một nhà đầu tư bất động sản - chia sẻ, cuối năm 2022, chị mua căn hộ gần 70m2 tại một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm với giá 2,6 tỉ đồng. Đến nay, trên thị trường, căn hộ tương tự như của chị đang được giao dịch từ 3,2-3,3 tỉ đồng.
Theo chị Liên, xét ở mục tiêu đầu tư, thời điểm này, chị hoàn toàn có thể chốt lãi. Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình thị trường, giá căn hộ sơ cấp thời điểm hiện tại vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung mới còn khan hiếm.
Với giá gần 10 triệu đồng/tháng cho thuê, lợi nhuận từ cho thuê trong một năm cũng được hơn 100 triệu đồng. Chị Liên nói, với khoản tiền thu về hàng tháng và giá trị căn hộ tăng lên đang khiến chị quyết định không bán căn hộ này.
Một khảo sát của Công ty Avison Young Việt Nam cho rằng, trong vòng 5 năm (2019 - 2023), chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập hộ gia đình Việt Nam tăng 19,5%.
Bên cạnh đó, lãi vay cũng không dễ chịu khiến việc mua nhà đã khó lại thêm khó hơn.
Kết quả khảo sát của Savills Việt Nam với riêng Hà Nội cho thấy, nhu cầu nhà ở vẫn rất cao. Dự báo đến năm 2025, thành phố có thêm khoảng 157.000 hộ gia đình cần nhà ở.
Tuy nhiên, nguồn cung tương lai chỉ bao gồm 59.000 căn hộ các hạng; 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán. Do đó, sẽ thiếu hụt khoảng 70.300 nhà ở.
Xét về tương quan (giai đoạn 2019-2023), mức tăng trung bình thu nhập của người dân Hà Nội là 6%/năm, nhưng mức tăng giá căn hộ là 13%/năm.
Từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, căn hộ chung cư tăng giá không ngừng nghỉ. Tại Dự án The Nine nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, giá giao dịch hiện chạm mức 75-80 triệu đồng/m2. Trước đó, thời điểm mở bán tháng 7/2020, giá bán ở mức 40 - 55 triệu đồng/m2.
Tại dự án Home City, Central Field nằm trên địa bàn phường Trung Kính (Cầu Giấy) cũng tăng trung bình 150 - 200 triệu đồng/căn so với cuối năm ngoái.
Việc lên giá căn hộ chung cư quá nhanh khiến nhiều người Hà Nội “bật ngửa”, không kịp trở tay. Trong khi đó, nhiều ý kiến còn khẳng định, trong năm 2024, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm.
Giá nhà tăng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể ra những nguyên nhân “rất cũ”, như số người có nhu cầu nhà ở tăng mạnh, lượng cung hạn chế, phân khúc nhà ở giá bình dân đã vắng bóng hoàn toàn (trên dưới 25 triệu đồng/m2)...
Ngày 25/3, trao đổi với Lao Động, TS Trần Xuân Lượng - Chuyên ngành Bất động sản Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, để kéo giá bất động sản ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị trên cả nước giảm, cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể.
Tuy nhiên, trong lúc thanh khoản bất động sản chưa ấm lên nhưng giá bất động sản lại tăng mạnh thì rất cần có giải pháp nóng, không thể chờ bất động sản tự hạ nhiệt.