Giải pháp nào cho bất động sản Trung Quốc hết thời?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều biện pháp mạnh tay gần đây vẫn là chưa đủ khi hàng loạt nhà đầu tư Trung Quốc sa lầy vào lĩnh vực chiếm đến 1/4 GDP.

Diện tích sàn các căn hộ được bán ở Trung Quốc trong năm 2022 giảm gần 27%. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Diện tích sàn các căn hộ được bán ở Trung Quốc trong năm 2022 giảm gần 27%. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Thị trường bất động sản Trung Quốc vốn đóng góp khoảng 1/4 GDP của nước này, nhưng hiện lại là lực cản đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt kể từ năm 2020 Bắc Kinh kiểm soát chặt những nhà đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào vay nợ. Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế về tài chính đối với lĩnh vực này.

Trong báo cáo công bố ngày 3/2, ông Thomas Helbling, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định chính phủ Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong ngành.

"Giới chức Trung Quốc đã có nhiều biện pháp chính sách đáng hoan nghênh trong thời gian gần đây, nhưng chúng tôi cho rằng nước này cần có thêm hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản" - CNBC dẫn phát biểu của ông Thomas Helbling tại cuộc họp báo hôm 3/2.

Theo ông, đa số giải pháp tập trung vào giải quyết các vấn đề tài chính cho các nhà đầu tư còn đủ “sức khỏe” tài chính. Điều đó cũng tốt, song nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết. Hiện còn rất nhiều dự án nhà ở đang xây dở vẫn chưa được giải quyết.

Thông thường, các căn hộ ở Trung Quốc được bán cho người mua nhà trước khi hoàn thiện. Tuy nhiên do đại dịch Covid-19 và những khó khăn tài chính làm chậm quá trình xây dựng, có nhiều người mua nhà đã tạm dừng thanh toán thế chấp để phản đối chủ đầu tư.

Sau đó, Chính phủ Trung Quốc tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư có căn hộ đã bán. Tuy nhiên, diện tích sàn các căn hộ được bán vẫn giảm gần 27% và vốn đầu tư bất động sản giảm 10% vào năm 2022.

"Tôi nghĩ sẽ hữu ích nếu tìm được giải pháp hữu hiệu nhất cho chủ đầu tư đang gặp khó khăn nghiêm trọng và cách thức tái cấu trúc lĩnh vực này” - ông Helbling hiến kế.

Nếu không, bất động sản vẫn tiếp tục tiềm ẩn rủi ro khiến người dân tránh đầu tư vào lĩnh vực này, hoặc các khoản tiền tiết kiệm của họ sẽ bị chôn vùi ở đó, gây trở ngại cho đà phục hồi kinh tế.

Ông Helbling cảnh báo, Trung Quốc cần nhanh chóng hành động trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn. "Các bạn nên giải quyết rủi ro suy thoái càng sớm càng tốt" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc, gồm có Zhengzin Zhang và Xuefei Bai lại bác bỏ đánh giá gần đây của IMF về ngành bất động sản nước này. Chuyên gia Trung Quốc khẳng định thị trường địa ốc nước này vẫn hoạt động trơn tru và không hề khủng hoảng. Họ cho biết tình hình hiện tại chính là “sự phát triển tự nhiên của quá trình “giảm đòn bẩy và cắt giảm tồn kho” trong vài năm qua.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng rủi ro là cục bộ và chỉ liên quan đến các công ty riêng lẻ, khẳng định tác động của thị trường đối với thế giới tương đối nhỏ.

Trung Quốc cho biết sắp tới sẽ tập trung vào bàn giao căn hộ hoàn thiện và sáp nhập các nhà đầu tư.

Theo Wind Information, giá cổ phiếu của một số nhà phát triển bất động sản Trung Quốc như Country Garden, Longfor và R&F Properties đã tăng gấp đôi trong 60 ngày giao dịch vừa qua. Nhưng cổ phiếu của những "ông lớn" một thời như Evergrande, Shimao và Sunac vẫn bị ngừng giao dịch kể từ tháng 3/2022.