Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nào để người lao động khuyết tật tiếp cận bảo hiểm xã hội?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Người lao động khuyết tật tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của Luật BHXH giống như người lao động bình thường, khiến cho cuộc sống của họ vốn đã khó khăn lại thêm phần khốn khó. Chính vì vậy, theo các chuyên gia cần có những giải pháp cụ thể gỡ khó cho vấn đề này.

Những trở ngại

Hiện chưa có thống kê cả nước có bao nhiêu người lao động khuyết tật tham gia BHXH. Nhưng, theo khảo sát nhanh của Hội NKT Hà Nội cho thấy, những người lao động khuyết tật làm việc trong các công ty lớn ký hợp đồng lao động và có liên kết với Hội NKT Hà Nội thì 100% DN đóng BHXH và thực hiện đầy đủ chế độ. Còn những NKT làm việc cho các công ty nhỏ, cơ sở sản xuất tư nhân hoặc lao động tự do không có sự hỗ trợ tư vấn, kết nối từ Hội thì quyền lợi BHXH khó được bảo đảm.

Những người khuyết tật đang làm tranh ghép vải tại Hợp tác xã Vụn Art.
Những người khuyết tật đang làm tranh ghép vải tại Hợp tác xã Vụn Art.

Đã có những nguyên nhân khiến người lao động khuyết tật ít tham gia BHXH, được chủ sử dụng lao động và NKT đưa ra. NKT sức khỏe yếu, làm việc ít ngày công trong tháng, tiền lương thấp không đủ sống khó có thể đóng BHXH. Nhiều NKT là đối tượng bảo trợ xã hội đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi làm việc cho các công ty tư nhân không chú trọng tham gia BHXH. Về phía các công ty tư nhân chưa hiểu rõ trách nhiệm cần hỗ trợ NKT tham gia bảo hiểm và đóng hỗ trợ cho họ theo quy định hiện hành của Luật BHXH. Đối với các Hợp tác xã do chính NKT sáng lập và làm chủ có vốn ít, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu thấp nên khó kham được việc đóng BHXH cho người lao động khuyết tật mức hơn 20,5%, tính theo lương tối thiểu vùng.

Người khuyết tật có sức khỏe yếu, làm việc ít ngày công trong tháng, tiền lương thấp, khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội.
Người khuyết tật có sức khỏe yếu, làm việc ít ngày công trong tháng, tiền lương thấp, khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Hợp tác xã Tâm Ngọc có địa chỉ tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn có 41 người lao động, trong đó có 36 thành viên là NKT với nhiều dạng tật khác nhau (khuyết tật vận động, khuyết tật trí não, câm điếc…). Những người lao động khuyết tật làm việc được ít ngày công trong tháng, thời gian làm mỗi ngày chỉ 4 - 5 tiếng nên tiền lương thấp, từ 1,6 – 6,5 triệu đồng/tháng. Những NKT quê xa được tạo điều kiện chỗ ở ngay tại hợp tác xã, bao ăn ngày 2 bữa. Nhưng trăn trở lớn nhất của nữ Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc là chưa đóng BHXH cho người lao động. “Những bạn khuyết tật nặng, sức khỏe rất yếu, mỗi tháng chỉ làm được 10 – 12 ngày công; trong khi cơ quan BHXH quy định NLĐ làm từ 15 – 22 ngày công mới đủ điều kiện đóng BHXH. Khi làm 10 – 12 ngày công, lương chỉ được hơn 1 triệu đồng/tháng, mà quy định đóng BHXH theo lương tối thiểu vùng 1 khoảng hơn 500.000 đồng. Nếu đóng BHXH mất gần 500.000 đồng, bằng nửa tiền công thì cuộc sống của họ khó khăn gấp bội. Về phía DN xã hội, hợp tác xã cũng gặp khó khăn khi Luật BHXH quy định NLĐ làm 20 – 25 ngày trong tháng mới được tham gia BHXH, nhưng hầu hết NKT không đủ sức khỏe nên chỉ làm nhiều nhất được 15 ngày công. Trong khi đó, doanh thu của hợp tác xã rất khiêm tốt do hoạt động không ổn định, khó có khả năng đóng BHXH cho người lao động khuyết tật” – chị Trần Thị Thuần lý giải.

Cần có chính sách BHXH riêng cho người khuyết tật

Để những người lao động khuyết tật tham gia BHXH, sau này có cơ hội được lĩnh lương hưu và Nhà nước không phải hỗ trợ bảo trợ xã hội, chủ sử dụng lao động và NKT mong muốn mức đóng bảo hiểm căn cứ trên tiền lương hằng tháng. Ví dụ NKT làm việc 10 ngày/tháng thì mức đóng bảo hiểm là bao nhiêu; trường hợp NKT làm việc 20 ngày/tháng thì đóng bảo hiểm thế nào. “Nếu các bạn NKT đi làm không nhiều ngày trong tháng mà đóng bảo hiểm giống người lao động bình thường thì không đủ khả năng và DN cũng không thể hỗ trợ vì hoạt động đang rất khó khăn. Chúng tôi muốn Nhà nước hỗ trợ người lao động khuyết tật 50%, DN 30%, NKT đóng 20%, để sau này họ về hưu có đồng lương để đảm bảo mức sống cơ bản” – chị Trần Thị Thuần kiến nghị.

Hợp tác xã Tâm Ngọc có 36 thành viên là người khuyết tật đang làm việc.
Hợp tác xã Tâm Ngọc có 36 thành viên là người khuyết tật đang làm việc.

Tại Hợp tác xã Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đang có gần 30 lao động khuyết tật các dạng đang làm tranh ghép vải. Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua ông phải nợ tiền BHXH đồng nghĩa với các lao động bị cắt thẻ bảo hiểm y tế. Mặt khác, những NKT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi tham gia BHXH bắt buộc lại bị cắt đi, thành ra khi ốm đau không thẻ để đi khám; thế là Hợp tác xã phải trả tiền viện phí và thuốc men. Đối với những bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, lương 1,5 – 3 triệu đồng/tháng, trong khi mức đóng bảo hiểm lại cao thì HTX chưa biết giải bài toán này thế nào. Ông Lê Việt Cường cho rằng, các DN tư nhân hôm nay hoạt động nhưng có thể ngày mai phá sản nên đề nghị Nhà nước không cắt thẻ bảo hiểm y tế của người lao động khuyết tật.

Người khuyết tật đang đi tìm việc tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.
Người khuyết tật đang đi tìm việc tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Chuyên gia bảo hiểm, Hội NKT Hà Nội và các chủ sử dụng cũng như nhiều người lao động khuyết tật cho biết, thẻ bảo hiểm y tế của NKT bảo trợ xã hội có mức hưởng cao hơn (90%) so với thẻ bảo hiểm y tế khi tham gia BHXH bắt buộc (80%). Vì thế, khi NLĐ khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ bị cắt thẻ bảo hiểm y tế là sự thiệt thòi. Các ý kiến đề nghị, NLĐ khuyết tật bảo trợ vẫn được giữ thẻ bảo hiểm y tế; còn số tiền đóng bảo hiểm y tế khi tham gia BHXH nên được chuyển sang quỹ an sinh để tăng thù lao cho NKT sẽ tốt hơn.

Từ trước đến nay, trong Luật BHXH chưa có quy định liên quan đến chính sách BHXH dành riêng cho người lao động khuyết tật; có nghĩa NKT tham gia như người bình thường.  Từ thực tế này, Trưởng phòng  Truyền thông và Phát triển đối tượng, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho rằng, tới đây, Nhà nước sửa Luật BHXH nên có quy định người lao động khuyết tật tham gia BHXH bắt buộc với thời gian 10 – 15 năm và nghỉ hưu trước 10 năm so với người lao động bình thường.

Với những kiến nghị trên là nhằm mục đích an sinh xã hội của NKT khi về già mới được đảm bảo, cũng như thanh niên khuyết tật có thêm cơ hội được làm việc, thu nhập để ổn định cuộc sống cũng như đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.