Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nào dung hoà mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và BQT nhà chung cư?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại nhiều chung cư, trong quá trình vận hành, hoạt động…, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và Ban Quản trị (BQT) nhà chung cư đã không ít lần rơi vào cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Khi quyền lợi bị xâm phạm

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, phần lớn những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và BQT nhà chung cư xuất phát từ tranh chấp sở hữu diện tích chung, diện tích riêng, tầng hầm…, đặc biệt là nơi để xe của người dân.

Và khi không tìm được tiếng nói chung, mỗi người, mỗi bên lại có một cách hành xử khác đã tạo lên mâu thuẫn. Tình trạng trên kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương cũng như đời sống của cư dân.

Người dân chung cư N10 Hà Đô Park View bức xúc vì chủ đầu tư chặn xe, ngăn xe của cư dân sống tầng hầm. 
Người dân chung cư N10 Hà Đô Park View bức xúc vì chủ đầu tư chặn xe, ngăn xe của cư dân sống tầng hầm. 

Câu chuyện tại chung cư N10 Hà Đô Park View (N10 - Khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) là một ví dụ. Trong khi chủ đầu tư dự án (Công ty Cổ phần tập đoàn Hà Đô) xác định nơi để xe tại tầng hầm N10 thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư, đã kinh doanh, khai thác, thu tiền từ khi tòa nhà được đưa vào sử dụng đến nay, thì cư dân - những chủ sở hữu căn hộ lại cho rằng, nơi để xe tại tầng hầm thuộc sở hữu chung của tòa nhà, không thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; đồng thời, yêu cầu Công ty Hà Đô trả lại nơi để xe tại tầng hầm để sử dụng chung cho cư dân tòa nhà, như nội dung trong hợp đồng mua bán.

Khi chưa tìm được tiếng nói chung, một số cư dân đã dừng đóng tiền trông giữ phương tiện. Trước tình trạng trên, chủ đầu tư đã tiến hành ngăn chặn một số phương tiện của cư dân di chuyển vào hầm... gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự.

Điều đáng nói, những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và BQT toà nhà; giữa chủ đầu tư và cư dân trong toà nhà, thậm chí là trong nội bộ BQT…, không phải là vấn đề mới, bởi đã và đang diễn ra tại nhiều chưng cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó phải kể đến những tranh chấp tại chung cư Phương Đông Green Park (số 1 Trần Thủ Độ) và chung cư Osaka Complex (ngõ 48 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt)… đã làm nóng dư luận trong thời gian gần đây.

Trăm mối đổ dồn vào chính quyền sở tại

Liên quan đến những mẫu thuẫn tại Chung cư N10 Hà Đô Park View, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Lương Quang Việt cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, UBND phường đã nhiều lần tổ chức cuộc họp mời các đơn vị có liên quan đến để nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng nhằm giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, hoạt động của chung cư cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Xung đột giữa Ban Quản trị, chủ đầu tư và người dân tại các khu chung cư ngày càng lớn. Ảnh minh hoạ.
Xung đột giữa Ban Quản trị, chủ đầu tư và người dân tại các khu chung cư ngày càng lớn. Ảnh minh hoạ.

Theo ông Lương Quang Việt, đối với tranh chấp sở hữu diện tích tại nhà chung cư, theo quy định thì UBND phường chỉ có thể hoà giải, yêu cầu các bên có liên quan chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

“Việc phân định diện tích tại nhà chung cư thuộc về ai không thuộc thẩm quyền của UBND phường, UBND quận. Theo quy định tại Luật Nhà ở 2023 thì tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở của tổ chức, cá nhân do Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp các bên không hòa giải, thống nhất được về sở hữu diện tích tại nhà chung cư thì cần khởi kiện ra toà” – ông Lương Quang Việt chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, để giải quyết những tranh chấp tại các chung cư, cách hiệu quả nhất hiện nay là khởi kiện ra toà. Tuy nhiên, do chi phí tiền tạm ứng án phí lớn khiến, nên không phải người dân, BQT nhà chung cư nào cũng đủ sức thực hiện khởi kiện ra toà. Và cũng từ đây, tất cả mọi việc đều bị dồn lên vai của chính quyền các địa phương. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại không có thẩm quyền xử lý vấn đề này, khiến những mâu thuẫn kéo dài.

Từ thực tế trên, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, để hạn chế tranh chấp, các cơ quan quản lý cần có quy định pháp luật rõ ràng về vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư và BQT; Rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết khiếu kiện liên quan đến tranh chấp chung cư… theo hướng đặt lợi ích công cộng lên trên hết, để từ đó có sự đổi mới toàn diện, triệt để trong công tác xây dựng pháp luật chuyên ngành, cũng như thực hiện chức năng giám sát việc thực thi pháp luật của chủ đầu tư.