Giải pháp nào khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở Hà Nội?

Hồng Thái - Thuỷ Tiên - Thịnh An - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên giải trình, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện làm rõ khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm, đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; khắc phục tình trạng quá tải trong tuyển sinh đầu cấp.

Chiều 17/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Thường trực HĐND TP Hà Nội chủ trì phiên giải trình
Thường trực HĐND TP Hà Nội chủ trì phiên giải trình

Phiên giải trình nhằm mục đích giám sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội; phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn

Đề cập đến thực trạng vẫn thiếu nhiều trường công lập ở các quận tại TP Hà Nội, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ quận Nam Từ Liêm) nhận định, tình trạng này tạo nên tình trạng quá tải tại các trường học công lập, sĩ số học sinh trên lớp tăng cao và gây áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa. “Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các quận Hoàng Mai, Đống Đa cho biết giải pháp nào khắc phục tình trạng này?”- đại biểu chất vấn.

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ quận Nam Từ Liêm) đặt vấn đề về tình trạng quá tải tại các trường học công lập
Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ quận Nam Từ Liêm) đặt vấn đề về tình trạng quá tải tại các trường học công lập

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cho hay, khu vực trường học nội thành và ngoại thành đều quá tải, đặc biệt là ở khối tiểu học và THPT. Đại biểu Đoàn Việt Cường - Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, đất xây dựng trường khu vực nội đô lịch sử khó khăn, cần làm rõ tính khả thi? 

Trả lời đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Hoàng Mai là quận đông dân nhất TP với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn cháu trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4000 cháu.

Trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có năm phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non. Với sự chỉ đạo của TP và triển khai nhiều giải pháp của quận, tình trạng này đã khắc phục dần những bất cập, khó khăn, không còn tình trạng bốc thăm vào các lớp mầm non.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, bất cập
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, bất cập

Quận tập trung chủ yếu vào 4 biện pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể, triển khai tuyển sinh trực tuyến, đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học, khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập.

Cụ thể, quận điều tra số trẻ vào đầu năm học từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải trường công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, quận Hoàng Mai vẫn thiếu 43 trường học…

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hiện nay, quận Đống Đa cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hiện nay, quận Đống Đa cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hiện nay, quận Đống Đa cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia. Quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định. Đống Đa có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay 1 trường khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp…

Giải pháp nào?

Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới. Đồng thời, có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho hay, giải pháp là phải có đủ điều kiện về đất và về vốn. Về việc tăng số trường công lập, quận đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học. Đồng thời, chủ động báo cáo với TP phân cấp cho quận để điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất TP quan tâm để hỗ trợ việc triển khai đầu tư xây dựng trường học; khi TP phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, TP tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn của đại biểu
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn của đại biểu

Trả lời các vấn đề liên quan đến, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thành chỉ tiêu trong Nghị quyết Đảng bộ TP khoá XVII, trong đó có chỉ tiêu về trường công lập đạt chuẩn, cơ sở vật chất trường học... Hà Nội đặc biệt có 4 quận nội thành cũ dân số đông, mật độ dân cư cao nên việc dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục được TP và địa phương quan tâm.

TP đã triển khai quy chuẩn diện tích đất, trong đó cấp mầm non 8m2/học sinh, THCS là 6m2/học sinh. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội có quy định trên cơ sở về khả năng đáp ứng diện tích đất, còn giải quyết đảm bảo đủ lớp học cũng như phòng học chuyên đề cho học sinh, TP chỉ đạo các quận triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó rà soát quỹ đất dành cho công trình giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội cần triển khai xây dựng mỗi năm từ 30-40 trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập, để đáp ứng số học sinh tăng hằng năm
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội cần triển khai xây dựng mỗi năm từ 30-40 trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập, để đáp ứng số học sinh tăng hằng năm

Bên cạnh đó, việc thiết kế phải có tính toán tổng mặt bằng công trình giáo dục phù hợp như tầng thấp cho học sinh, khối hiệu bộ thì ở tầng trên. Để đảm bảo thì TP có thoả thuận với Bộ KHCN, Xây dựng, Bộ Công an liên quan PCCC. Như vậy giải pháp thiết kế sẽ giải quyết chỗ học. Cùng đó phối hợp Bộ GD&ĐT rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng nhu cầu.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho hay, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo TP cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.