Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp nào kiểm soát chất lượng công chứng?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tình hình cá nhân, tổ chức sử dụng giấy tờ giả để công chứng diễn biến hết sức phức tạp. Giải pháp nào để kiểm soát, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng?

Giấy tờ giả vẫn “lọt cửa” công chứng
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, hiện nay, việc sử dụng giấy tờ giả để công chứng diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, việc này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro xấu trong hoạt động công chứng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, DN có liên quan.
Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội đã có kết luận thanh tra về tình trạng công chứng, sao y không cần bản gốc và cán bộ chứng thực ở một số phường tại Hà Nội không trả biên lai, phiếu thu cho người dân. Đoàn thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm hành chính và xử phạt một số văn phòng công chứng với số tiền hơn 80 triệu đồng.
 Các công chứng viên TP Hà Nội thực hành kỹ năng phân biệt chữ ký giả. Ảnh: Thái San
Ngoài ra, Đoàn thanh tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý hành vi làm, sử dụng con dấu và chữ ký giả của lãnh đạo phường Yết Kiêu (quận Hà Đông), giả mạo chữ ký công chứng viên và sử dụng con dấu giả của các văn phòng công chứng...
Tại hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chứng viên trên địa bàn TP Hà Nội mới đây, đại diện Công an TP Hà Nội đã hướng dẫn kỹ năng phát hiện tài liệu giả trong hoạt động công chứng, nhằm giúp các công chứng viên, lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng TN&MT quận, huyện, thị xã nâng cao kỹ năng phát hiện tài liệu giả trong hoạt động công chứng, chứng thực. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa nguy cơ tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn TP. Đồng thời, làm cho các hoạt động công chứng, chứng thực ngày càng lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia.
Bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch
Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Trong đó đã sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo hướng bãi bỏ quy hoạch này.
Trong bối cảnh Luật Công chứng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho biết: Cục đã nhận được công văn của nhiều địa phương phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy định này. Đáng chú ý, tuy bãi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng nhưng lại không có quy định quản lý khác để thay thế khiến việc triển khai lúng túng bởi công chứng là một lĩnh vực đặc thù.
Hơn nữa, việc bỏ quy hoạch làm mất cân đối trong phát triển các tổ chức hành nghề giữa các địa bàn quận, huyện. Cùng với phản ánh khó khăn, vướng mắc, đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng… đã tập trung đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện Luật để phát triển tổ chức hành nghề công chứng đúng hướng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, đặc biệt phải kiểm soát được chất lượng hoạt động công chứng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu phải tích cực tuân thủ quy định trên. Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng tình phải sửa đổi Luật Công chứng, còn trước mắt cần thực hiện đúng các quy định hiện hành về công chứng viên, thành lập văn phòng công chứng, chuyển nhượng tổ chức hành nghề công chứng…