Giải pháp nào ổn định thị trường xăng dầu 2023?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023, nguồn cung năng lượng thế giới được dự báo đối mặt với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, cần sớm tập trung đầu mối quản lý thị trường xăng dầu, nâng mức dự trữ hợp lý đủ sức giải quyết những bất thường xảy ra.

Nguồn cung khan hiếm, nhu cầu giảm

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá dầu biến động với biên độ lớn. Chịu tác động của thị trường xăng dầu thế giới, thị trường xăng dầu trong nước cũng có những diễn biến bất thường như giá tăng cao, khan hiếm nguồn cung…

Mới đây, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dùng khái niệm “dị biệt” để nói về thị trường xăng dầu thời gian qua tại hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tổ chức ngày 15/12. Đứng trên góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khi nói về thị trường xăng dầu trong thời gian qua đã cũng dùng từ “không bình thường” để khái quát về tình hình cung ứng xăng dầu.

Dự báo năm 2023 nhiều nước trên thế giới sẽ khan hiếm xăng dầu. Ảnh minh họa
Dự báo năm 2023 nhiều nước trên thế giới sẽ khan hiếm xăng dầu. Ảnh minh họa

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một mặt do yếu tố khách quan là ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường xăng dầu còn do lúng túng trong điều hành giá của cơ quan chức năng. Trong đó, vấn đề hài hòa lợi ích và rủi ro trong chuỗi cung ứng xăng dầu chưa được nhận diện rõ ràng. Nhiều nhà bán lẻ phản ánh có thời điểm họ nhận chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm nên không trụ nổi. Đáng chú ý, việc quản lý xăng dầu vẫn còn mang tính xin - cho, điều hành bằng mệnh lệnh hành chính chứ chưa theo quy luật thị trường, từ tín hiệu của thị trường.

Nhìn từ góc độ kinh tế học, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính chỉ ra những bất cập trong quá trình vận hành của Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu là do việc dự báo giá xăng dầu rất khó. Các dự báo, nếu thiếu chính xác sẽ dẫn đến việc xác định thời điểm và mức độ trích/xả quỹ không sát so với những diễn biến của giá xăng dầu trên thực tế. Thêm vào đó, các quyết định về trích/xả quỹ nhiều khi mang nặng tính chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước, và do đó thị trường rất khó dự báo.

Đưa ra dự báo về thị trường xăng dầu năm 2023, thạc sĩ Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nhận định, nhiều quốc gia sẽ chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng, trong đó châu Âu vẫn nằm trong khu vực tâm bão. Nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023 sẽ bị kéo giảm xuống do sự phục hồi yếu của kinh tế thế giới, cùng lạm phát kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất thu hẹp. Các tổ chức đều thống nhất khẳng định nhu cầu về dầu mỏ sẽ giảm do các vấn đề hiện hữu hiện nay là rất rõ ràng. Cùng với nhu cầu sụt giảm, giá dầu cũng được kỳ vọng giảm trong năm 2023.

Nguồn cung năng lượng dự báo phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng, nhất là ở các quốc gia châu Âu. Theo tính toán, tổng lượng dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu trong năm 2023 chỉ còn khoảng 20 tỷ cm3 và dự báo tiếp tục giảm khoảng 25 - 35% vào cuối mùa xuân năm 2023.

Tăng dự trữ, điều hành nên quy về một mối

Nhận diện rõ thách thức của thị trường xăng dầu thế giới, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao khả năng tự lực, tự chủ, chuyển dịch cơ cấu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chủ động thích ứng với các thách thức và kiểm soát những ảnh hưởng tiêu cực mà thị trường dầu mỏ, khí đốt thế giới có thể gây ra cho đời sống kinh tế - xã hội, trước mắt và lâu dài, cả vĩ mô và vi mô.

Chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, 2 Bộ Tài chính và Công Thương chưa thống nhất được việc điều hành, nên đã có sự đùn đẩy nhau về trách nhiệm. Do bị động trong việc điều hành nên đã tạo ra những tình hình không mong muốn trong việc cung ứng xăng dầu cho các DN và người tiêu dùng.

“Tuy giai đoạn khó khăn đã vượt qua, nhưng cần rút ra bài học là không thể điều hành một mặt hàng hết sức quan trọng này bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải sớm tập trung đầu mối quản lý, tiến tới phải từng bước hoạt động theo cơ chế thị trường” - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Đưa ra 3 kịch bản về giá dầu trong năm 2023, chuyên gia Nguyễn Minh Anh - trường Đại học Bryan (Hoa Kỳ) khuyến nghị: Kịch bản nếu giá dầu ổn định 60 USD/thùng, Việt Nam cần khai thác trạng thái này để giữ ổn đinh kinh tế vĩ mô. Nếu giá thấp hơn 60 USSD/thùng Việt Nam nên tăng tích trữ dầu. Nếu giá dầu cao hơn 60 USD/thùng, Việt Nam cần chuyển đổi cơ bản cơ cấu năng lượng và tăng công suất sản xuất dầu để tránh những biến động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế. Các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, đi lại sử dụng dầu làm nhiên lệu có thể thay thế bằng điện hoặc các dạng năng lượng tái tạo khác.

TS Nguyễn Đức Độ nêu quan điểm, phải xác định ổn định thị trường xăng dầu là nhiệm vụ quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng. Xăng dầu là hàng hóa rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận dân chúng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Sự lên xuống của giá xăng dầu cũng tác động lớn đến chỉ số CPI . Bởi vậy, chính sách quản lý và điều hành giá đóng vai trò lớn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng rất nặng nề. Một khi đã nhận diện được nguyên nhân gây tắc nghẽn bất ổn của thị trường thì cần sự phối hợp cùng tháo gỡ.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, nên áp dụng cơ chế tự động bình ổn giá xăng dầu. Việc xác định thời điểm và mức trích/xả quỹ sẽ không do cơ quan quản lý nhà nước quyết định, mà dựa trên các quy tắc. Quy tắc bình ổn sẽ khiến giá xăng dầu trở nên minh bạch và dễ dự báo hơn. Các số liệu trong khoảng thời gian 10 - 15 năm trở lại đây cũng cho thấy, nếu áp dụng cơ chế tự động bình ổn giá xăng dầu, các khoản trích quỹ trong giai đoạn giá xăng dầu thấp, về cơ bản tương đương với các khoản xả quỹ trong giai đoạn giá xăng dầu cao.