Giải pháp ngăn chặn mỹ phẩm giả?
Kinhtedothi - Hàng loạt những thông tin vi phạm về sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hàng giả được cơ quan chức năng phát hiện mới đây cho thấy không thể đặt niềm tin vào những sản phẩm mỹ phẩm được bán online, nhất là thông qua quảng cáo của người nổi tiếng.
Xử lý hàng loạt mỹ phẩm với quảng cáo “thổi phồng” công dụng
Sở hữu kênh tiktok với hơn 1,7 triệu lượt theo dõi và doanh số bán hàng khủng, Đoàn Di Băng đang đối mặt với hàng loạt những lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mà cô đã bán online. Nhất là khi thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tiếp có công văn thông báo thu hồi sản phẩm của công ty do chồng Đoàn Di Băng phân phối.

Bộ Y tế yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm Kẹo táo thải mỡ bụng do "Ngân Collagen" quảng cáo. Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, ngày 22/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản tới UBND tỉnh và Bộ Y tế, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi, tiêu hủy hai lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body. Trước đó, ngày 7/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (loại hộp 300g) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật và chứa 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức đã đăng ký. Tương tự, kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body cũng bị Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm (loại hộp 100g). Lý do chỉ số chống nắng thực tế (SPF 2,4) không phù hợp với chỉ số công bố trên nhãn (SPF 50).
Hay mới đây nhất, vào ngày 26/5, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm giảm cân do Trần Thị Bích Ngân (Ngân Collagen) quảng cáo, bao gồm Kẹo táo thải mỡ bụng và N-Collagen Chanh Plus.
Qua công tác kiểm tra, Cục An toàn Thực phẩm phát hiện các sản phẩm này chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm và Giấy xác nhận quảng cáo. Sản phẩm đang được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, tuy nhiên thông tin quảng cáo không đúng sự thật, vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm. Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương rà soát hoạt động sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định có chất cấm hay không và xử lý nghiêm theo quy định.
Đáng chú ý, chỉ trong hơn 1 tháng qua, lực lượng chức năng đã phát hiện gần chục tấn mỹ phẩm giả được sản xuất một cách đơn sơ, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với những nguyên liệu trôi nổi được mua theo cân trên mạng nhưng được đóng gói vào mẫu mã của những thương hiệu nổi tiếng.
Siết chặt công tác thanh tra, hậu kiểm
Theo cơ quan chức năng, mỹ phẩm hiện nay cũng đang được tự công bố chất lượng và hậu kiểm, nên việc giám sát, quản lý mặt hàng này gặp vô vàn khó khăn, do các quy định luật chưa chặt chẽ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay, sản xuất mỹ phẩm là một ngành kinh doanh có điều kiện nên phải được cấp phép. Nhưng kinh doanh mỹ phẩm lại là ngành kinh doanh không có điều kiện nên các đơn vị chỉ cần đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư, Sở Tài chính là đã được triển khai. Nên việc quản lý các hoạt động buôn bán mỹ phẩm cần phải được tăng cường trong thời gian tới.
Vì nguồn lực hậu kiểm như hiện nay rất ít, trong khi đó số lượng đơn vị kinh doanh mỹ phẩm rất nhiều; số lượng các mặt hàng mỹ phẩm trên thị trường được cấp phiếu công bố hàng năm cũng rất nhiều. Do đó, lực lượng chức năng không thể lấy toàn bộ mẫu mỹ phẩm đang kinh doanh, lưu thông trên thị trường để kiểm tra chất lượng được.
Ông Tạ Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnh việc sửa các quy định bất cập, việc triển khai công tác thanh tra, hậu kiểm và phối hợp liên ngành cần phải được đẩy mạnh, nhất là thực hiện nghiêm việc phân cấp, phân quyền tại các địa phương.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến nên việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
Hiện nay, các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Ông Trần Hữu Linh khuyến cáo, người dân không thể đặt niềm tin vào những sản phẩm mỹ phẩm online, nhất là thông qua quảng cáo của người nổi tiếng. Đặc biệt, công tác công tác kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh mỹ phẩm rất cần sự hỗ trợ từ phía người dân và việc này phải làm liên tục, thường xuyên.
Trích dẫn
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trên thị trường, việc thường xuyên mở cửa phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm của Cục Quản lý thị trường là một kênh truyền thông thiết thực trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, giúp người tiêu dùng trang bị được nhiều kiến thức, thông tin mới trong lựa chọn, nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh

Chủ tịch Quốc hội: đã có Ban chỉ đạo, tại sao hàng giả diễn ra số lượng lớn?
Kinhtedothi - “Trong thời gian qua, chúng ta đã bắt nhiều tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Luật đã có, Ban chỉ đạo cũng đã có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như thế?” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề tại phiên thảo luận tổ ngày 23/5.

Tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, hàng giả
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Triển khai hiệu quả tháng cao điểm đấu tranh, ngăn chặn hàng giả
Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1078/ATTP-PCTTR đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, TP, Sở ATTP TP Hồ Chí Minh/Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng/Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các tỉnh, thành chủ động triển khai hiệu quả tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thượng mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.