Nông nghiệp bảo tồn là một trong những giải pháp được nêu ra trong cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Brisbane, bang Queensland của Australia. Hội thảo thu hút hơn 500 nhà khoa học đến từ hơn 70 nước trên thế giới nhằm tìm ra phương cách nuôi sống dân số toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Theo định nghĩa của Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO), nông nghiệp bảo tồn là khái niệm tạo ra sản phẩm nông nghiệp bằng cách tiết kiệm nguồn tài nguyên trong khi vẫn phải đạt được mức lợi nhuận có thể chấp nhận được. Đó là sự áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm cải thiện sản xuất, đồng thời bảo vệ và tăng cường tài nguyên đất. Áp dụng kỹ thuật này giúp tăng năng suất và lợi nhuận mà vẫn đảm bảo lợi ích cho môi trường địa phương và toàn cầu. Đặc điểm của nông nghiệp bảo tồn là không phải cày xới đất đai, đồng thời phải thực thi một số biện pháp nhằm bảo tồn đất như không được để đất đai hoang hóa mà phải luôn che phủ bằng nhiều loại cây trồng khác nhau, đồng thời phải thường xuyên thay đổi các loại cây trồng. Trong vấn đề nông nghiệp bảo tồn, người ta áp dụng đường lối canh tác mới cho lúa, theo đó các cánh đồng trồng lúa không được phủ nước. Thay vào đó, lúa sẽ được trồng tương tự như mọi loại cây nông nghiệp khác. Việc canh tác theo hình thức nông nghiệp bảo tồn sẽ giúp luân canh lúa. Thay vì chỉ trồng lúa, người nông dân có thể thay đổi và luân phiên trồng các hoa màu khác, trong đó lúa được trồng cùng với những loại cây lương thực khác như bắp, các loại rau quả. Khu vực nông thôn ở châu Á là nơi có nguồn đất dự trữ cho canh tác rất thấp, trong khi đây cũng là vùng đất có tốc độ tăng trưởng dân số rất cao. Do đó, đây là khu vực có nhu cầu rất lớn trong việc phải có được sản lượng nông nghiệp thật dồi dào trong khi tài nguyên ngày càng thu hẹp. Trung Quốc là một trong những nước châu Á rất coi trọng vấn đề nông nghiệp bảo tồn, trong khi Kazakstan và Ấn Độ cũng đặt ưu tiên cao trong lĩnh vực này. Theo ước tính của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ đạt mốc 7 tỷ người vào cuối tháng 10 này.