Khu vực dân cư đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) được ví là “rốn lũ” hay khu vực ngập nhất trong nội thị Đà Nẵng. Người dân ở đây cứ nghe mưa là phải kê dọn đồ đạc để chạy lụt. Bởi nước khu vực này lên rất nhanh và ngập sâu, có chỗ gần 2m.
Đơn cử trong vòng một tháng qua, người dân sống tại khu vực đường Mẹ Suốt phải 3 lần chạy lụt. Không chỉ tổn thất về vật chất, người dân thực sự mệt mỏi tinh thần.
Như trường hợp chị Nguyễn Minh Hiếu (có nhà ở kiệt đường Mẹ Suốt), từ hôm qua (12/11) đã phải lo kê dọn đồ đạc lên cao rồi khóa cửa về nhà người thân tá túc. “Theo dõi dự báo thời tiết có mưa to kéo dài nên tôi lo kê dọn đồ trước chứ nước lên nhanh trở tay không kịp. Khu vực này ngập ghê lắm, dân quá vất vả” – chị Hiếu nói.
Thấu hiểu nỗi vất vả của người dân, Tiến sĩ Lê Hùng (Khoa Xây dựng công trình thủy Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) đã dành thời gian nghiên cứu và đi khảo sát thực tế để đưa ra giải pháp thoát nước cho khu vực dân cư đường Mẹ Suốt.
Theo Tiến sĩ Lê Hùng, để giải bài toán chống ngập cho khu vực Mẹ Suốt, cần phân chia lưu vực thượng lưu kết hợp nạo vét và mở rộng kênh hạ lưu. 2 giải pháp này phải được thực hiện đồng thời với việc mở rộng Cầu Đa Cô và mở các cửa xả ra biển.
Cụ thể theo ông Hùng, tổng lưu vực về cầu Mẹ Suốt là 7.1 km2, phân chia 1.8 km2 lưu vực thượng lưu tại vị trí đường Hoàng Văn Thái. Tiếp theo, làm cống dẫn dọc Hoàng Văn Thái về cầu Đa Cô, lúc đó lưu vực về cầu Mẹ Suốt chỉ còn 5.3 km2, tức đã giảm khoảng 1/3 diện tích ban đầu.
“Sau khi phân lưu vực như vậy, diện tích lưu vực 1.8 km2 có lưu lượng với chu kỳ 5 năm ngập 1 lần (tần suất 20%) là khoảng 54m3/s, và chu kỳ 2 năm ngập 1 lần (tần suất 50%) là 19m3/s. Lưu vực còn lại về cầu Mẹ Suốt với chu kỳ 5 năm ngập 1 lần (tần suất 20%) là khoảng 87m3/s, và chu kỳ 2 năm ngập 1 lần (tần suất 50%) là 31m3/s. Như vậy, sau khi phân chia 1/3 lưu vực thì sẽ giảm gần 40% lưu lượng dòng chảy về cầu Mẹ Suốt” – Tiến sĩ Lê Hùng phân tích.
Cũng qua khảo sát, Tiến sĩ Lê Hùng cho biết, vị trí hạ lưu sau cầu Mẹ Suốt có bề rộng sông thu hẹp quá lớn. Bề rộng nhiều chỗ chỉ còn 1/3-1/4 so với kích thước của cầu Mẹ Suốt.
“Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho nước dềnh lên cao tại vị trí co hẹp, làm cho khả năng thoát nước qua cầu Mẹ Suốt về hạ lưu giảm. Đồng thời khiến khu vực lân cận cầu Mẹ Suốt này khó thoát. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây ngập cho khu vực lân cận” – ông Hùng cho hay.
Từ khảo sát trên, Tiến sĩ Lê Hùng đề xuất giải pháp trước mắt, có thể nạo vét và mở rộng kênh hạ lưu ngay phía sau cầu Mẹ Suốt. Về lâu dài thì nên làm kiên cố hóa và mở rộng đoạn kênh từ cầu Mẹ Suốt đấu nối vào kênh về cầu Đa Cô.
Theo Tiến sĩ Lê Hùng, việc đồng thời thực hiện 2 giải pháp trên chắc chắn sẽ làm giảm ngập lớn cho khu vực Mẹ Suốt. “Tuy nhiên, giải pháp này cần phải được thực hiện đồng thời với việc mở rộng cầu Đa Cô và mở các cửa xả ra biển Phùng Hưng, Hà Khê... để tránh tình trạng phải chuyển vùng ngập xuống cầu Đa Cô.” – ông Hùng lưu ý.
Liên quan đến công tác chống ngập cho khu vực đường Mẹ Suốt, ngày 12/11, UBND quận Liên Chiểu đã huy động lực lượng, phương tiện triển khai phát quang cây, bụi rậm và thu gom, khơi thông dòng chảy dọc tuyến kênh thoát nước từ đường Hoàng Văn Thái qua cầu Bà Xí đến kênh Đa Cô.