Thursday, 10:45 05/11/2015
Giải pháp thu hẹp khoảng cách nhà trường - nhà tuyển dụng
Kinhtedothi - Hôm qua (4/11), ngày thứ 2 của Hội thảo quốc tế “Chuyển biến kinh tế - xã hội...
Kinhtedothi - Hôm qua (4/11), ngày thứ 2 của Hội thảo quốc tế “Chuyển biến kinh tế - xã hội và giáo dục”, PGS.TS Lê Đức Ngọc - Giám đốc Công ty Đảm bảo, đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục đã gây sự chú ý của giới chuyên môn khi đề xuất 4 giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng lao động.
Phối hợp đào tạo
Sở dĩ PGS Lê Đức Ngọc đưa ra 4 giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và DN sử dụng lao động, bởi trong giáo dục luôn có "độ trễ", đào tạo 4 - 5 năm mới có sản phẩm đầu ra. Cụ thể là phối hợp đào tạo, đào tạo theo học chế tín chỉ, đào tạo theo năng lực và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Trong giải pháp phối hợp đào tạo, nhà trường và đơn vị tuyển dụng cùng nhau xây dựng chương trình đào tạo. Ở đây, các DN tuyển dụng cần làm rõ phẩm chất và yêu cầu năng lực của người lao động; các cơ sở đào tạo thể hiện cụ thể yêu cầu đạt được của từng phẩm chất và năng lực đảm bảo trình độ bậc học. “Nhiều khi người sử dụng lao động cứ đòi hỏi kỹ năng, kiến thức này kia không tương ứng với trình độ cơ sở đào tạo ra” - PGS Ngọc lý giải.
Phối hợp thứ hai là tham gia đào tạo chuyên đề và hướng dẫn thực hành tại cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải chọn lọc những thông tin các cơ sở sử dụng nhân lực đang cần. Qua đó, sinh viên (SV) sẽ được cung cấp những yêu cầu kiến thức, kỹ năng DN cần. Tiếp đến, là sự hợp tác hướng dẫn SV thực hành tại cơ sở tuyển dụng. Việc này rất quan trọng khi hiện nay phần lớn trang thiết bị ở các trường lạc hậu, nếu SV được thực hành ở DN sẽ có điều kiện bắt nhịp tiến bộ khoa học và công nghệ. Và khi SV thực tập ở DN, chủ sử dụng nắm rõ phẩm chất năng lực từng người và sẵn sàng tuyển dụng nếu đáp ứng nhu cầu công việc. Ví dụ, tại Đại học Lạc Hồng, 96% SV có việc làm sau khi tốt nghiệp nhờ sự gắn kết giữa nhà trường và DN trong việc gửi SV đến thực tập.
Ông Lê Đức Ngọc cho rằng, lâu nay các cơ sở đào tạo độc quyền làm các đề tài/đề án tốt nghiệp. Việc đó cũng tốt, nhưng để nghiên cứu thực tiễn thì phải là những đề tài từ DN. Như thế kết quả nghiên cứu sẽ hiệu quả hơn so với nhà trường tự thực hiện.
Người học được lựa chọn mục tiêu
Cho rằng, học chế tín chỉ thực sự là phải tạo điều kiện cho người học ở trong và ngoài nhà trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động. Lâu nay chúng ta áp dụng đào tạo học chế tín chỉ nhưng chưa thực sự theo hình thức này. Do đó, để thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và cơ sở đào tạo, PGS Ngọc đề xuất người học được lựa chọn mục tiêu học tập đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. "Vì đào tạo có độ trễ, nên trong quá trình học người học được quyền chuyển đổi định hướng mục tiêu mình mong muốn. Ví dụ, năm rồi tôi đăng ký vào học ngành Ngân hàng, nhưng có thể 2 năm sau ra trường khó xin việc thì có thể chuyển sang ngành Kinh tế hay Quản trị kinh doanh" - PGS Lê Đức Ngọc phân tích.
Giá trị thứ hai từ học chế tín chỉ là người học được xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, được rèn luyện đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Người học được định hướng lại, xây dựng kế hoạch để tùy theo năng lực của mình rút ngắn thời gian đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, nhà trường phải đáp ứng yêu cầu được tự chọn môn học. Hai năm học cuối, người học có định hướng xin việc ở đâu, hoàn toàn có quyền chọn một số môn học đáp ứng trang bị kiến thức, kỹ năng của nhà tuyển dụng; thay vì phải học đúng ngành đã đăng ký từ đầu đến cuối, sau đó muốn chuyển ngành khác thì học văn bằng hai. Đặc biệt, người học chủ động tích lũy kiến thức, phẩm chất và năng lực. Ngoài ra có thể học thêm ngoại ngữ, vi tính… phục vụ cho công việc sau này.
Đào tạo theo năng lực cũng là giải pháp hữu hiệu để rút ngắn khoảng cách. Bởi “Một người có năng lực sau 6 tháng có thể làm chủ được công việc được giao, nhưng người không có năng lực 3 năm sau vẫn chỉ là nhân viên quèn” - PGS Ngọc khẳng định. Theo ông, năng lực là khả năng vận dụng đồng bộ các kiến thức, kỹ năng, thái độ, phẩm chất đã tích lũy được để xử lý tình huống hay để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo (chính quy, bồi dưỡng, thường xuyên, từ xa…) cũng là một hình thức để nhu cầu của DN và sản phẩm đào tạo của nhà trường xích lại gần nhau.
Với 4 giải pháp đưa ra, PGS Lê Đức Ngọc mong muốn các cơ sở đào tạo rút ngắn khoảng cách về yêu cầu chất lượng, góp phần giảm bớt số lượng cử nhân thất nghiệp đang ngày một gia tăng.
![]() Sinh viên trả lời phỏng vấn xin việc tại Sàn giao dịch việc làm trên phố Trung Kính, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|