70 năm giải phóng Thủ đô

Giải pháp thu hút nguồn vốn FDI vào Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm 2015, ASEAN tiến tới Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng kinh tế với 630 triệu người có tổng GDP khoảng 3000 tỷ USD.

Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với EU, Hàn Quốc, Nga, Bê-la-rút, Ka-dắc-xtan và đang đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra cơ hội lớn cho đất nước và cho Thủ đô trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới.

AEC là một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hoá, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
 Lắp ráp điện tử tại Công ty CaNon Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
Lắp ráp điện tử tại Công ty CaNon Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
Hiệp định này tạo ra cơ chế đầu tư cởi mở và tự do trong ASEAN hướng tới mục tiêu cuối cùng về hội nhập kinh tế trong AEC, thông qua: Tự do hóa nhanh các cơ chế đầu tư của các nước thành viên; Tăng cường cơ chế bảo hộ nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ tại các nước thành viên; Tăng cường tính minh bạch và dự đoán trước về nguyên tắc, quy chế, thủ tục đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư; Xúc tiến đầu tư chung trong ASEAN như một khối thống nhất; Hợp tác nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của một nước thành viên này tại các nước thành viên khác.

Hiệp định này nhằm tạo ra môi trường đầu tư tự do, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh trong ASEAN bằng cách tuân thủ những nguyên tắc: Thực hiện tự do hóa đầu tư, bảo vệ và tạo thuận lợi cho các khoản đầu tư; Tạo môi trường đầu tư tự do và cởi mở trong khu vực; Mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ trong ASEAN; Duy trì và dành cơ chế ưu đãi cho các nước thành viên; Dành ưu đãi đặc biệt và riêng, cũng như tạo cơ chế linh hoạt riêng cho các nước thành viên dựa trên mức độ phát triển của mỗi nước và mức độ nhạy cảm của từng ngành; Áp dụng cơ chế ưu đãi riêng có đi có lại giữa các nước thành viên trong những trường hợp phù hợp; Chấp nhận mở rộng phạm vi của Hiệp định này ra những ngành mới trong tương lai.

Là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế lớn của đất nước, trung tâm giao dịch quốc tế, Hà Nội cần khai thác tốt hơn lợi thế nổi trội so với các tỉnh, thành phố khác để mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với các nước ASEAN khi đã hình thành AEC và thực hiện ACIA, đồng thời thu hút nhiều và có hiệu quả hơn FDI từ các nước công nghiệp hàng đầu thế giới.   
Ảnh: Huy Hùng
Ảnh: Huy Hùng
Đến cuối năm 2014 đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Hà Nội với 3.169 dự án và có tổng vốn đăng ký 26,3 tỷ USD, đứng thứ ba sau TP Hồ Chí Minh (37,9 tỷ USD) và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (26,7 tỷ USD). Hà Nội năm 2015 đã có diện mạo mới, hiện đại hơn, phát triển hơn cách đây một thập niên, cung bậc mới của quá trình phát triển đòi hỏi điều chỉnh định hướng phát triển để thích ứng với giai đoạn mới. Hà Nội đã có tiềm lực kinh tế lớn hơn, năm 2015, GDP khoảng 27,6 tỷ USD, GDP/người 3.600 USD, bằng 1,8 lần năm 2011. Tại Hà Nội các tập đoàn lớn Nhà nước, tư nhân và hàng chục vạn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động và ngày càng phát triển.

Do vậy để thu hút có hiệu quả FDI trong giai đoạn mới thì trước hết và quan trọng nhất là năng lực nội sinh của Thủ đô phải được phát triển theo hướng đổi mới toàn diện như chủ trương của thành ủy đề ra tại Dự thảo Báo cáo của BCH Đảng bộ thành phố khóa XV trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI.

Trên cơ sở khai thác tối đa nội lực, Hà Nội cần chuyển nhanh và có hiệu quả hơn theo hướng nâng cao chất lượng FDI, kết nối doanh nghiệp FDI nhất là TNCs hàng đầu thế giới với doanh nghiệp trong nước để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bằng hệ thống 6 giải pháp chủ yếu:

Một là, tận dụng lợi thế nổi trội của Thủ đô để khai thác có hiệu quả các quy định tại Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) nhằm thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng từ các nước thành viên ASEAN thực hiện những dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại; đồng thời hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế trên địa bàn Thủ đô tranh thủ cơ hội mới khi thực hiện ACIA để mở rộng đầu tư ra các nước thành viên ASEAN.

Hai là, chủ động đề ra các giải pháp hữu hiệu để đối phó với thách thức mới khi thực hiện AEC và ACIA, không gây ra những xáo trộn trong việc hình thành thị trường đầu tư chung, không bị động đối với việc tự do di chuyển vốn đầu tư vào những dự án Thủ đô không khuyến khích FDI, di chuyển lao động có tay nghề từ các nước thành viên khác vào Thủ đô trong điều kiện hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng chưa có việc làm.
Ảnh: Hải Linh
Ảnh: Hải Linh
Ba là, chủ động trong việc lựa chọn và tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng từ những nước công nghiệp phát triển trong điều kiện thuận lợi mới khi Việt Nam đã ký và thực hiện FTA song phương với nhiều quốc gia phát triển, dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hài hòa thủ tục hải quan không những mở rộng quan hệ thương mại, mà còn khuyến khích mở rộng FDI.

Bốn là, chủ động cân nhắc việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô theo hướng ưu tiên doanh nghiệp trong nước nếu có điều kiện thực hiện dự án và bảo đảm chất lượng và hiệu quả của dự án; khuyến khích hình thức liên doanh đối với một số dự án FDI cần có sự tham giá của doanh nghiệp trong nước để thực hiện chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Năm là, đổi mới nhanh hơn và đồng bộ hơn hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận chiến lược đầu tư toàn cầu của TNCs hàng đầu thế giới và sự thay đổi định hướng đầu tư của TNCs để lựa chọn đúng đối tác cho từng dự án FDI theo định hướng mới; thông qua mạng internet cung cấp thông tin cập nhật theo yêu cầu của nhà đầu tư, theo đuổi từng nhà đầu tư từ buổi tiếp xúc ban đầu cho đến khi làm thủ tục đăng ký dự án đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Sáu là, Hà Nội cần phấn đấu để trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách nền hành chính quốc gia, cấu trúc lại bộ máy Nhà nước theo hướng nâng cao hiệu năng quản lý với đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ ngang tầm với thủ đô các nước phát tiển trong ASEAN.

Trong khi các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh khu vực và thế giới đang diễn ra phức tạp, Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế đánh giá là quốc gia ổn định chính trị, an ninh xã hội, an toàn kinh doanh và sinh sống, Chính phủ Việt Nam nhất quán chủ trương khuyến khích FDI, đang làm những việc cần thiết để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn với thể chế kinh tế và thủ tục hành chính tiếp cận thông lệ tốt nhất của thế giới. Do đó, khi AEC ra mắt, Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thì Thủ đô Hà Nội cần khai thác tốt hơn nguồn lực trong nước, đồng thời thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn FDI vào công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở y tế để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.