Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải phóng cây xanh tại dự án mở rộng Vành đai 3: Cân nhắc giữa đánh chuyển và chặt hạ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/10, những cây xanh đầu tiên thuộc phạm vi dự án mở rộng Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, bắt đầu được đánh chuyển để phục vụ thi công.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền TP nên cân nhắc giữa 2 phương án: Di chuyển và chặt hạ, bởi cây xà cừ đã già cỗi, quá to lớn, khi đánh chuyển cũng không còn nhiều giá trị sử dụng mà lại rất tốn kém.
Không thể tiếp tục chậm trễ

Vành đai 3 là một trong những trục đường đặc biệt trọng yếu của Hà Nội, vừa phục vụ giao thông nội bộ vừa là hướng chính để chuyển tải lưu thông quá cảnh qua Thủ đô. Hiện tuyến đường đã được mở rộng đến ngã tư Mai Dịch - Phạm Hùng, nhưng đoạn tuyến từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng) lại quá hẹp, không đồng bộ năng lực thông hành toàn tuyến. Tháng 10/2016, Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được khởi động với mục tiêu sẽ hoàn thành trong vòng một năm. Nhưng đã ngót một năm, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn thành, chủ yếu do vướng mắc di dời 1.159 cây xanh; khiến người dân phải vật lộn từng ngày với UTGT trên đường Phạm Văn Đồng.

Công nhân đánh chuyển cây xanh đầu tiên trong số 1.159 cây nằm trong phạm vi dự án mở rộng Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.  Ảnh: Phạm Hùng

Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, sau thời gian dài cân nhắc, lấy ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học, UBND TP đã đưa ra quyết sách di dời hàng cây. Ngày 13/9 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp Giấy phép số 75/GP - SXD, cho phép Ban QLDA đánh chuyển, chặt hạ đợt 1 gồm 14/1.159 cây trên đường Phạm Văn Đồng. Các cây xanh đủ điều kiện đánh chuyển, duy trì sẽ được đưa về nút giao Tả Hồng - Võ Nguyên Giáp và nút giao QL5 - Vành đai 3 để trồng và chăm sóc.

Sáng 18/10, những cây xanh đầu tiên thuộc diện phải di dời đã được Ban QLDA phối hợp với đơn vị chuyên nghiệp đánh chuyển. Ông Tuấn thông tin thêm, UBND TP Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để giám sát và đưa ra quyết định đối với từng cây trong nhóm phải di dời.

Đừng để cây tự đổ

Quan sát hàng xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng, GS.TS lâm nghiệp Ngô Quang Đê nhận xét, về nguyên tắc là có thể đánh chuyển được, nhưng cần xét đến công sức, chi phí và yếu tố sinh trưởng sau này của cây. “Với kinh nghiệm về trồng rừng 55 năm, tôi cho rằng, những cây to như thế này, muốn trồng lại thành hàng cây đẹp ở nơi khác rất khó. Cây quá to, lại phải cắt rễ, xén cành, nên một số sẽ có khả năng chết đi. Số khác dù có sống được cũng không thể phát triển, hơn nữa đã chặt hết cành tán thì giá trị thẩm mỹ và màu xanh cũng không còn” - ông Đê nhận định. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng có không ít cây thân cong, không có giá trị về mặt mỹ quan, không cần thiết phải đánh chuyển để sử dụng lại. Thế nên, GS.TS Ngô Quang Đê đề xuất: "Chúng ta nên nhìn nhận cây xanh là một loại sinh vật, có vòng đời sinh trưởng, phát triển, già cỗi và chết. Cây đã già cỗi rồi thì ta nên chặt hạ, lấy gỗ củi sử dụng, còn hơn là để cây tự đổ gây nguy hiểm cho con người”.

Hiện, phía Ban QLDA chưa tiết lộ chi phí đánh chuyển một cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh chuyển, trồng lại rất tốn kém, mà không đem lại hiệu quả thiết thực. TP có thể xem xét chặt hạ, bán gỗ, củi, tận dụng nguồn thu đó để tái đầu tư trồng cây mới thay thế cho tuyến đường.
Nếu đến tháng 12 tới, di dời được toàn bộ hàng cây như dự kiến, chúng tôi phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán sắp tới đưa dự án vào vừa khai thác, sử dụng để giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT, vừa tiếp tục thi công.
Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội 

Phạm Hoàng Tuấn
Chính quyền TP có ý định trồng cây xanh nhiều tầng, với loại cây thân lớn chủ yếu là Giáng Hương trên đường Phạm Văn Đồng (tương tự như đường Võ Chí Công). Theo tôi đó là một ý tưởng rất tốt, thiết thực và phù hợp với một đô thị như Hà Nội.
GS.TS lâm nghiệp Ngô Quang Đê