Giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng Dự án quốc lộ 3 mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Gia Lâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công Dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.

Theo báo cáo, dự án xây dựng quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên đang được Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt thi công để hoàn thành vào tháng 7/2014. Tuy nhiên, hiện nay, một số hộ dân thôn Đình Vỹ, xã Yên Trường, huyện Gia Lâm vẫn đang cản trở thi công phần mặt đường của đường dẫn phía mố A2 lên cầu vượt đường ngang.

Qua xem xét các kiến nghị của người dân, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan của dự án nghiên cứu giảm bớt độ dốc dọc một đoạn tuyến từ 4% theo tiêu chuẩn kỹ thuật xuống còn 2,85% và mở rộng tối đa bán kính đường cong nằm để nâng cao an toàn giao thông.

Để đưa công trình vào khai thác bảo đảm an toàn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bảo vệ thi công, hoàn thành phần công việc còn lại của dự án trước ngày 30/7/2014.
Một đoạn Quốc lộ 3 mới thuộc gói thầu PK2. Ảnh: TTXVN
Một đoạn Quốc lộ 3 mới thuộc gói thầu PK2. Ảnh: TTXVN
Về việc này, UBND TP giao UBND huyện Gia Lâm chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc giải phóng mặt bằng dự án trên. Phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 bảo vệ mặt bằng, bảo đảm để nhà thầu thi công thuận lợi, kịp tiến độ hoàn thành dự án trước 30/7/2014.

Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố kiểm tra, đôn đốc UBND huyện Gia Lâm xử lý, giải quyết kịp thời các vướng mắc về mặt bằng thi công dự án...

Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài trên 60km với 4 làn xe, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, với tốc độ thiết kế 100km/h, có tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo tiền đề thúc đẩy KT-XH, an ninh - quốc phòng các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.

Công tác GPMB thực hiện Dự án đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm đã hoàn thành, với diện tích mặt bằng trên 427 ngàn m2, gồm đất ở và đất nông nghiệp, thuộc 2 xã Ninh Hiệp và xã Yên Thường (trong đó, xã Ninh Hiệp trên 140 ngàn m2; xã Yên Thường trên 280 ngàn m2) liên quan đến 1.506 hộ. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số vướng mắc về GPMB cho dự án trên địa bàn huyện như đã nêu trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần