Giải quyết hàng tồn kho để giảm nợ xấu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 16/10, UBTVQH tiếp tục Phiên họp thứ 12, xem xét, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch năm 2013.

Giải quyết hàng tồn kho để giảm nợ xấu - Ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
5 chỉ tiêu không đạt

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 được Quốc hội phê duyệt, có 10 chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt và vượt. 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt, gồm: tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 dự kiến chỉ đạt 5,2% so với chỉ tiêu được thông qua là 6 - 6,5%. 

Báo cáo của Chính phủ cho biết, khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; chỉ số phát triển công nghiệp tăng chậm; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Cùng với đó, tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội, tội phạm còn diễn biến phức tạp. 

Trong số các giải pháp đưa ra để khắc phục những yếu kém trên, Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành kiềm chế lạm phát khoảng 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.

Hoãn tăng lương vì hụt dự toán

Đưa ra thực trạng tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, kế hoạch năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Thu ngân sách mới đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây, khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn. Thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến hụt dự toán khoảng 25.500 tỷ đồng. 

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề xuất chưa tiến hành lộ trình cải cách tiền lương (theo lộ trình từ 1/5/2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng), bởi để đáp ứng nhu cầu chi tăng lương theo đúng lộ trình, nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60 - 65.000 tỷ đồng, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nên Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013. 

Giải quyết nút thắt ngân hàng và nợ xấu

Nhận định 5 chỉ tiêu không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tâm lý xã hội và niềm tin của thị trường vẫn đang diễn biến phức tạp, nếu giải quyết chậm khó khăn sẽ kéo dài. Các thành viên UBTVQH cũng cho rằng, số liệu báo cáo của Chính phủ còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa nêu bật được những nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô. Việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3 (0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (- 0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm liên tục và xuất siêu 9 tháng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. 
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, từ nay tới cuối năm, Chính phủ cần tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng tồn kho và nợ xấu. Bởi tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng lên, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết. Đề nghị chỉ thành lập, sử dụng một công ty duy nhất để xử lý vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng. 

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013:  Mức tăng GDP: 5,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI): 7-8%; kim ngạch xuất khẩu: khoảng 124,3 tỷ USD; nhập siêu ở mức 8%; bội chi ngân sách: không quá 4,8% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội: khoảng 30,1% GDP; giảm nghèo toàn quốc so với năm 2012: 2%;