Giải quyết khủng hoảng di cư - Gánh nặng trên vai bà Merkel

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực ngày càng đè nặng lên vai Thủ tướng Đức sau khi Đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel mất điểm tại 2/3 bang vào tay đảng cực hữu bài ngoại Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD).

Đây cũng là viễn cảnh tồi tệ nhất dành cho bà Merkel. Sự ủng hộ đối với AfD ngày càng tăng sau quyết định “trải thăm đỏ” của bà Merkel đối với hơn một triệu người di cư. Đảng cực hữu AfD từng gây tranh cãi vì kêu gọi cảnh sát bắn người nhập cư để ngăn họ vào Đức. Phó Chủ tịch AfD Alexander Gauland nói. "Chúng tôi có lập trường rất rõ ràng: Chúng tôi không muốn đón nhận thêm người nhập cư nào nữa".

Chính sách bài ngoại này đã giúp AfD đạt được kết quả trên 10% ở cả 3 tiểu bang. Kết thúc bầu cử, AfD hiện có ghế trong 8/16 nghị viện bang và đang đặt mục tiêu đạt kết quả tốt trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2017.
Người ủng hộ đảng AfD giơ biểu ngữ phản đối chính sách di cư của bà Merkel.
Người ủng hộ đảng AfD giơ biểu ngữ phản đối chính sách di cư của bà Merkel.
Cuộc bầu cử lần này mang tầm quan trọng cả châu Âu, vì nếu đảng CDU thất bại, toàn bộ chính sách di cư của Chính phủ Đức cũng có thể gặp những khó khăn lớn. Theo quan điểm của giới truyền thông, cử tri đi bỏ phiếu lần này cũng đồng nghĩa với việc bỏ phiếu cho chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư của Thủ tướng Angela Merkel.

Vì vậy, sau khi có kết quả, ngay trong đảng CDU cũng đã xuất hiện những lời cáo buộc rằng, bà Merkel phải chịu trách nhiệm về việc đảng này mất điểm trong cuộc bầu cử nghị viện tại 3 bang. Không chỉ chịu chỉ trích từ nội bộ nước Đức, bà Merkel còn phải đối mặt với những lời phản đối từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Gần đây nhất, Thủ tướng Áo Werner Faymann đã yêu cầu bà Angela Merkel thay đổi chính sách hiện nay. Cụ thể, Thủ tướng Áo yêu cầu đặt "mức trần" về số lượng người di cư được tiếp nhận. Ông Faymann cũng cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng người tị nạn tự do đi lại giữa các nước, nghị quyết của Hội đồng châu Âu (EC) sẽ là bất khả thi.

Vì vậy, với vai trò là nền kinh tế hàng đầu, cũng như quốc gia có tầm ảnh hưởng đối với EU, việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư theo đúng kịch bản mà EU mong muốn phụ thuộc rất nhiều vào việc bà Merkel có tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện lần này hay không. Sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ của CDU có thể gây một vài “khó khăn nhỏ” cho vị thế của Merkel trong Hội nghị thượng đỉnh EC sắp diễn ra tại Brussels. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, bà Angela Merkel có thể thất bại trong cuộc bầu cử nghị viện lần này, nhưng ghế Thủ tướng của bà thì vẫn còn rất vững chải vì cho tới giờ bà chưa có địch thủ.

Thực tế cũng cho thấy, sự thăng tiến của AfD chỉ là một hiện tượng nhất thời. Tương tự như trước đây, khi nước Đức giải quyết được vấn đề khủng hoảng đồng Euro, tín nhiệm của người dân đối với chính phủ lại tăng trở lại. Do vậy, trả lời báo chí, Thủ tướng Đức Angele Merkel vẫn kiên quyết khẳng định, sẽ không thay đổi chính sách mở cửa với người di cư.