Ở Na Uy, một chai nhựa có thể tái chế đến 50 lần với tỷ lệ tái chế rác thải lên tới hơn 90%. Mặt khác, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), do tỷ lệ tái chế thấp nên mỗi năm Việt Nam thiệt hại 2,2-2,9 tỷ USD giá trị vật liệu nhựa có khả năng tái chế, TS Nguyễn Mỹ Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam dẫn chứng.
Chung tay và thay đổi hành vi
Đó là một trong số nhiều thông tin về thực trạng và thách thức trong giải quyết rác thải nhựa do các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Ô nhiễm nhựa Đại dương” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức ngày 8/6.
Vấn đề trong xử lý ô nhiễm rác thải tại Việt Nam bắt nguồn từ công tác thu thập, vận chuyển cho đến tái chế, xử lý; do đó việc thay đổi hành vi người dùng cũng như chung tay trong hành động là vô cùng quan trọng và cấp thiết, theo các chuyên gia tham dự tọa đàm.
“Ví dụ như túi nilon, đừng chỉ nghĩ đến việc giảm người sử dụng, mà còn cần giảm người bán, người đưa túi ra thị trường,” ông Nguyễn Đức Dương, Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường, USAID cho biết.
Ông Dương cũng đề cập đến một trong những mục tiêu USAID đề ra trong hỗ trợ Việt Nam xử lý rác thải là thay đổi hành vi để đảm bảo việc phân loại rác tại nguồn được hiệu quả. Việc thay đổi này bắt nguồn từ mỗi người, đến hộ gia đình, đến từng khu phố, từ đó phát triển lớn dần lên phường xã quận huyện và tới cả xã hội.
“Đây là đầu vào quan trọng cho quá trình quản lý chất thải, cần có sự giám sát của cộng đồng, hội đoàn tại cơ sở,” ông Dương cho biết.
Theo một lộ trình Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) đưa ra, lượng rác thải nhựa không được quản lý thải ra đại dương sẽ giảm từ 41,8% xuống còn 9,1% cho đến năm 2030; trên lộ trình các giải pháp bao gồm Giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa không cần thiết, Thay thế sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường và Tăng cường năng lực tái chế hệ thống và quản lý thải bỏ, TS Trịnh Thái Hà Giám đốc Quốc gia NPAP chia sẻ.
“Đừng chỉ nhìn vào rác thải nhựa khi đã thải môi trường,” bà Hà nhấn mạnh.
TS Trịnh Thái Hà cũng gợi ý, có thể tăng giá trị sau sử dụng của sản phẩm nhựa để khuyến khích sự thu gom sau khi thải ra môi trường. 83% lượng rác thải nhựa được tái chế bởi khối phi chính thức (ve chai), theo một nghiên cứu của NPAP.
Nỗ lực của Việt Nam
Điểm lại những nỗ lực của chính phủ trong việc giảm rác thải nhựa, các chuyên gia đề cập tới Luật bảo vệ Môi trường (LEP) sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2022 vừa qua đã đưa vào những khái niệm mới với 3 điểm nổi bật.
Bà Hằng cho biết, bộ luật quy định lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, quản lý chất thải và tái chế chất thải.
Việc đưa ra khái niệm này thông qua việc thúc đẩy chính sách mở rộng trách nhiệm của người sản xuất (EPR). Cụ thể, luật quy định chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại thành chất thải rắn có thể tái sử dụng hoặc tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt trong việc sửa đổi luật gần đây, ông Dương cũng cho biết, trong các chương trình hợp tác, USAID kết hợp ưu tiên chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đồng nhất và hỗ trợ lẫn nhau trong đó tập trung 5 vấn đề chính.