Dự thảo nghị định nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 sau hơn 13 năm áp dụng, được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế có trình độ tại cơ sở. Từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở và y tế dự phòng.
Bác sĩ, điều dưỡng sẽ được hưởng phụ cấp cao hơn
Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất mức phụ cấp ưu đãi được áp dụng theo nhiều mức khác nhau. Trong đó, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất là 70% cho nhân viên y tế làm các công việc như xét nghiệm, điều trị bệnh phong, tâm thần, bác sĩ công tác tại y tế cơ sở vùng khó khăn, HIV/AIDS, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A…
Mức phụ cấp thấp nhất là 30 - 40% áp dụng đối với viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc như xét nghiệm; khám chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng…
Ngoài ra, dự thảo quy định mới bổ sung viên chức trong lĩnh vực xạ trị, hóa trị, sinh học phân tử, y học hạt nhân hưởng mức phụ cấp 60%; bổ sung viên chức làm nhiệm vụ chẩn đoán hình ảnh hưởng mức phụ cấp 50%.
Có thể thấy, so với quy định cũ, nhiều đối tượng nhân viên y tế được đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề, đặc biệt ở nhóm 70% - 40% - 30%. Theo đề xuất mới, không còn áp dụng mức phụ cấp 20% như hiện nay.
Theo Bộ Y tế, số người hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trên cả nước là 157.743 người (hưởng từ mức 20 - 70%), trong đó đông nhất là tuyến trạm y tế xã (hơn 59.000 người), trung tâm y tế tuyến huyện là hơn 38.000 người và T.Ư là hơn 31.000 người.
Dự kiến, tiền lương và phụ cấp chức vụ hiện hưởng là gần 714 tỷ đồng/tháng. Nếu đề xuất của Bộ Y tế được thông qua, dự kiến tổng số kinh phí thực hiện khoảng 357 tỷ đồng/tháng.
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, Nghị định thay thế được xây dựng để phù hợp với thực tế về điều kiện kinh tế, mặt bằng thu nhập bình quân của người lao động; góp phần nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động ngành y tế tương xứng với vị trí việc làm nhằm thu hút, duy trì, bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn y tế, giảm thiểu tình trạng viên chức y tế bỏ việc, thôi việc.
Thực tế, hiện nay, mức phụ cấp của y bác sĩ, điều dưỡng dù đã tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu là ghi nhận sự đóng góp cống hiến trong nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, với đặc thù ngành y tế, ngoài lương cần quan tâm đến phụ cấp đặc thù nghề nghiệp. Quan trọng hơn, phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cần có tác dụng để cải thiện thu nhập chứ không chỉ để động viên tinh thần.
Trong dự thảo Bộ Y tế chưa đề cập đến nhân viên y tế làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực và Hồi sức cấp cứu. Vị trí này rất khó nhọc, tiếp xúc cận kề “cửa tử”. Những vị trí này xứng đáng được hưởng mức cao nhất 70%.
Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn (Hà Nội) Nguyễn Thị Lan Hương
13 năm cống hiến, gắn bó với Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Mỹ Đức (Hà Nội), bác sĩ Phạm Thị Kim Thoa cho rằng, hiện tại, mức phụ cấp trực thực sự chưa tương xứng với công sức lao động của nhân viên y tế.
Công việc vất vả, thu nhập lại khiêm tốn, áp lực từ kinh tế gia đình, đôi khi bác sĩ muốn nghỉ việc ở BV để ra ngoài làm, cải thiện thu nhập. "Nếu được tăng phụ cấp trực, sẽ có ý nghĩa rất lớn, tiếp thêm động lực cho nhân viên y tế, toàn tâm toàn ý cống hiến cho BV" - bác sĩ Phạm Thị Kim Thoa chia sẻ.
Sớm hiện thực hóa đề xuất
Theo bác sĩ Trần Xuân Khuyến - Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Mỹ Đức, 13 năm qua, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh thêm 8 lần, trong khi đó các chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật chưa có sự điều chỉnh tương xứng.
Đặc biệt, với các nhân viên y tế trực Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Ngoại, Khoa Sản, trong đêm họ phải làm rất nhiều việc vất vả. Với mức phụ cấp như hiện tại rõ ràng không tương xứng với công sức họ bỏ ra.
“Tôi rất ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế, mong phụ cấp của nhân viên y tế được tăng tương xứng với công sức lao động để họ bảo đảm cuộc sống, qua đó nâng cao trách nhiệm trong công tác phục vụ người bệnh” - bác Trần Xuân Khuyến bày tỏ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng phụ cấp là cần thiết, giúp y bác sĩ phần nào bảo đảm nhu cầu cuộc sống và yên tâm làm việc chuyên môn của mình...
Thực tế, nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc cường độ cao trong thời gian kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần. Trong khi lương và phụ cấp chỉ bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo…
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn BV Bạch Mai Đoàn Thu Trà cho biết, 2 năm qua, đời sống cán bộ, nhân viên y tế của BV khá vất vả. Nhiều tháng liền, y bác sĩ, nhân viên y tế phải đi làm từ 5 - 6 giờ sáng để kịp khám cho người bệnh.
Thực tế, có những nhân viên y tế chỉ thu nhập 5 triệu đồng. Để trang trải cuộc sống, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm ngoài giờ. Do đó, Chủ tịch Công đoàn BV Bạch Mai mong Chính phủ có quyết sách mới thu đúng, đủ, để nhân viên y tế có phụ cấp tương xứng, đời sống ổn định, từ đó họ yên tâm làm việc, không có sự dịch chuyển công việc.
Nhất trí với dự thảo Nghị định, tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm cho rằng, hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập (các BV đã tự chủ về tài chính mức 2; các trung tâm y tế mức 3 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP) cũng khó khăn.
Vấn đề ngành y tế mong muốn nhất là Nhà nước xem xét, điều chỉnh nâng giá dịch vụ y tế để theo kịp với nâng lương tối thiểu (2.340.000 đồng từ 1/7/2024) nhằm có thêm nguồn thu chi trả các chế độ theo quy định cũng như thu nhập tăng thêm cho người lao động.
Nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Công đoàn với đề xuất của Bộ Y tế, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình nêu rõ: “Chúng tôi đã đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên y tế suốt nhiều năm qua và tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm hiện thực hóa đề xuất này. Chúng tôi mong muốn, việc tăng phụ cấp sẽ giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân viên y tế. Đây là sự ghi nhận, khích lệ họ tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là trong bối cảnh công việc của họ ngày càng đòi hỏi sự hy sinh và tận tâm”.
Sự đồng lòng và mong mỏi từ cán bộ y tế và Công đoàn cho thấy tính cấp thiết của đề xuất tăng phụ cấp này. Với mức sống ngày càng cao và áp lực công việc ngày càng lớn, cán bộ, nhân viên ngành y tế hy vọng, đề xuất sẽ được các cơ quan chức năng xem xét, thông qua trong thời gian sớm nhất, giúp cải thiện đời sống của những người đang tận tụy với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTG ngày 28/12/2011, đến nay đã 13 năm nên rất lạc hậu. Mức phụ cấp trực 24/24 giờ hiện nay là 115.000 đồng/người, hỗ trợ tiền ăn 15.000/người đối với BV hạng 1, hạng đặc biệt.
Mức này quá thấp cho một ca mổ rất khó ở một BV hạng đặc biệt. Tổng mức phụ cấp cho một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài từ 6 - 8 tiếng là 1.480.000 đồng. Do đó, ngành y tế mong Chính phủ điều chỉnh phụ cấp cũng như có chính sách thỏa đáng với công sức của nhân viên y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức