Hà Nội xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN:

Giải quyết việc làm cho nhiều đối tượng lao động, đảm bảo an sinh xã hội

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – TP Hà Nội luôn quan tâm và giải quyết việc làm cho đối tượng người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy… để đảm bảo an sinh xã hội cũng như xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.

Nhiều đối tượng lao động được giải quyết việc làm

Hà Nội thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội. Thực hiện chỉ đạo chung của UBND TP Hà Nội và trực tiếp từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ngoài việc tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm cho nhóm lao động chung trên địa bàn Thủ đô thì đã mở rộng ra nhóm lao động yếu thế. Đó là những người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng, người khuyết tật…

Xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, TP Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm dành cho đa dạng đối tượng người lao động. Ảnh: Trần Oanh.
Xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, TP Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm dành cho đa dạng đối tượng người lao động. Ảnh: Trần Oanh.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Tạo việc làm cho đa dạng nhóm lao động, trong đó có những người yếu thế là xuất phát từ thực tế. Vì thế, trong các phiên giao dịch việc làm (GDVL) hàng ngày, trực tuyến, lưu động tại các quận, huyện, thị xã, các nhóm lao động đều có cơ hội tìm kiếm việc làm, để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn phối hợp với cơ quan, hội để tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho từng đối tượng. Cụ thể như phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ, phiên cho người khuyết tật,… Ông Vũ Quang Thành cho hay: Nhiều người bị khuyết tật nhưng vẫn có thể đóng góp trí tuệ, sức lao động hay những hoạt động liên quan vào thị trường lao động. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, chúng tôi phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội, mỗi năm tổ chức 4 phiên GDVL  dành riêng cho người khuyết tật. Và, sau dịch Covid-19 thì chuyển sang mỗi năm có 2 phiên GDVL dành cho nhóm lao động khuyết tật.

Người lao động khuyết tật tìm hiểu thông tin và ứng tuyển phỏng vấn tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Trần Oanh.
Người lao động khuyết tật tìm hiểu thông tin và ứng tuyển phỏng vấn tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Trần Oanh.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội để tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động, vị trí việc làm cũng như những DN sẵn sàng sử dụng người khuyết tật. Sau đó, Hội Người khuyết tật Hà Nội truyền thông những thông tin này đến 30 Hội cấp quận, huyện, thị xã. Kết quả sau mỗi phiên GDVL lại có vài chục người khuyết tật tìm được việc làm với mức thu nhập phù hợp; điều này đồng nghĩa với góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng phối hợp với phòng Quân lực của Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức phiên GDVL dành cho bộ đội xuất ngũ, vào thời điểm cuối năm, trước khi họ trở về địa phương. Khác với trước đây, nhiều bộ đội xuất ngũ có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, kỹ năng nghề, chứ không chỉ là trình độ lao động phổ thông. Ngoài ra, nhóm lao động này, có sức khỏe tốt, được rèn luyện, tính kỷ luật tốt nên được nhiều DN trên địa bàn TP mong muốn tuyển dụng.

Tạo môi trường việc làm cho tất cả mọi người

Nhóm lao động đặc thù gồm những người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện ma túy cũng được TP Hà Nội quan tâm. Điều này thể hiện rõ nhất ở năm 2023, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Thanh Oai, Ba Vì, quận Tây Hồ, Ba Đình và tới đây là quận Cầu Giấy, huyện Đông Anh tổ chức các phiên GDVL lưu động đều tạo điều kiện cho hai đối tượng này tham gia. “Chúng tôi phối hợp với công an các địa phương rà soát lực lượng lao động này. Bên cạnh đó là kết nối, giới thiệu lực lượng lao động này tiếp cận với DN để tìm công việc phù hợp với sức khỏe, lĩnh vực nghề nghiệp mà trước khi lầm lỡ họ đã từng làm việc” – ông Vũ Quang Thành cho hay.

Người chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện ma túy được tham gia các phiên giao dịch việc làm, sớm hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Trần Oanh.
Người chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện ma túy được tham gia các phiên giao dịch việc làm, sớm hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Trần Oanh.

Không chỉ vậy, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, từ năm 2015, hàng năm (trừ 2 năm 2020, 2021 dịch covid) Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều phối hợp với các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, các vị trí việc làm, giới thiệu việc làm, kết nối với DN trước khi người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Trung tâm đánh giá, đây là hoạt động lao động hết sức có ý nghĩa và đem lại các giá trị hết sức cụ thể, giúp những người đã từng lầm lỡ có việc làm, kể cả họ tự tạo công việc cho mình.

Chia sẻ về việc phối hợp tổ chức Phiên GDVL lưu động quận Ba Đình năm 2023, dành cho nhiều nhóm lao động, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Ba Đình Phạm Thanh Hà cho biết: Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức phiên GDVL có mở rộng 2 đối tượng người mãn hạn tù và người sau cai nghiện ma túy. Để hoạt động này mang lại hiệu quả, trước đó, Phòng LĐTB&XH quận đã thông tin về phiên trong buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ B93 để các hội viên được biết, đăng ký tham gia. Sau buổi tham gia phiên GDVL, những đối tượng này đã cởi mở và tự tin hơn trong tìm việc…

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, việc tổ chức tái hòa nhập cộng đồng giúp cho người chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện ma túy có khả năng thích ứng nhanh hơn với cuộc sống xã hội, cũng như rút ngắn thời gian hòa nhập cộng đồng của họ. Tạo việc làm cho những người đã từng lầm lỡ là động viên họ xóa đi mặc cảm trong cuộc sống, giúp có điều kiện tạo lập cuộc sống của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

Qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Và đó cũng là Hà Nội thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN giảm dần các rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người. Đồng thời, thúc đẩy tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội, phát triển nguồn nhân lực việc làm, giảm nghèo bền vững, môi trường hòa nhập cho tất cả mọi người.