Giải thưởng đã có, phương án khó chọn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giải thưởng của cuộc thi thiết kế bảo tồn và phát huy khu di tích khảo cổ số 18 Hoàng Diệu đã được xác định.

Tuy nhiên, lựa chọn phương án thiết kế nào để biến Hoàng thành Thăng Long thành công viên văn hóa lịch sử như mong muốn vẫn là bài toán đang chờ lời giải.

Yêu cầu cao

Có thể nói, chưa có một công trình nào làm khó các nhà chuyên môn như phương án thiết kế bảo tồn và phát huy khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu. Bởi theo đề án được Chính phủ phê duyệt cách đây 2 năm, nơi đây sẽ là Công viên văn hóa lịch sử quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, xứng tầm khu vực và thế giới, thể hiện được ý nghĩa của khu Di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước. Theo các thành viên ban giám khảo: Các phương án phải sống động, hấp dẫn người dân, phải có dịch vụ công cộng, không gian mở, thích nghi với cuộc sống hiện đại, chứ không chỉ là một bảo tàng "chết".
Du khách Hàn Quốc tham quan Điện Kính Thiên trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.     Ảnh: Phạm Hùng
Du khách Hàn Quốc tham quan Điện Kính Thiên trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Phương án thiết kế không chỉ có ý nghĩa với di sản mà còn là một điểm nhấn của Hà Nội nên chưa có một cuộc thi nào, thành phần ban giám khảo lại đủ cả lãnh đạo TP, nhà quản lý và các chuyên gia uy tín của Việt Nam, Pháp, Bỉ… Trong hơn một tuần chấm giải, Ban giám khảo đã tranh luận rất thẳng thắn. Vì thế, tuy Hội đồng giám khảo đã cho điểm, nhưng Ban tổ chức mới chỉ xếp hạng giải thưởng, trưng bày lấy ý kiến của công chúng, chưa trao giải.

Lựa chọn khó khăn

Nhận xét về 24 đồ án dự thi lần này, KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng: "Các phương án dự thi đa dạng, ý tưởng độc đáo nhưng có thể tạm chia thành hai xu hướng. Một là, các khối vuông vức, hài hòa khi áp dụng công nghệ bảo tồn, có tính hiện thực cao, nhưng lại có nhược điểm là kiến trúc nhạt nhòa. Hai là, ử dụng các đường cong mềm mại, tạo khu vườn xanh, có kiến trúc ấn tượng, nhưng lại có nhược điểm lớn nhất là dễ tranh chấp với Nhà Quốc hội và tốn kém. Hai phương án được đánh giá cao là của tác giả Pháp và của Viện Kiến trúc Quốc gia nhưng do các tác giả quá tập trung vào phần di sản nên phần kiến trúc có phần bị xem nhẹ".

 Có thể nói, dựa trên những ưu nhược điểm của các phương án dự thi lần này, cùng với yêu cầu ngặt nghèo về địa điểm của di sản, lựa chọn phương án nào để thi công là bài toán khó cho Ban tổ chức. Bởi không chỉ tính đến yếu tố kinh tế, "cái khó nhất đối với các đơn vị tư vấn là vấn đề bảo tồn di chỉ khảo cổ học. Các nước có điều kiện khí hậu giống Việt Nam thường đặt điều kiện bảo tồn di chỉ để nguyên gốc được ở trong môi trường khí hậu tốt nhất. Giải pháp năng lượng, khí hậu, kiến trúc, kết cấu để bảo tồn vĩnh viễn là bài toán khó. Ở đây không phải vấn đề đẹp, mà phải tạo được môi trường tốt nhất để tiếp tục tiến hành khảo cổ và bảo tồn bền vững những khu đã phát lộ" - KTS Vũ Đình Thành - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia chia sẻ. Trong thang điểm đánh giá, số điểm dành cho phương án bảo tồn và phát huy di sản được xếp ngang với số điểm dành cho thiết kế kiến trúc. Tuy nhiên, cân nhắc giữa kiến trúc và di sản lại là một bài toán khó cho người thực hiện. Đó là chưa kể, trong quá trình triển khai dự án xây dựng công viên, nên dừng hay tiếp tục thi công khi phát hiện di vật đang ẩn sâu dưới lòng đất.

Theo kế hoạch, việc bảo tồn, tôn tạo quần thể di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Nhưng với những gì đang diễn ra, rất khó để Công viên văn hóa lịch sử Hoàng thành Thăng Long sẽ “về đích” đúng hẹn.