Giải trình về trách nhiệm để xảy ra thừa, thiếu giáo viên: Công tác tuyển dụng còn bất cập

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/9, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra ở nhiều địa phương. Trong khi đó, hiện vẫn còn những quan điểm chưa thống nhất liên quan đến công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên là vấn đề được nhiều ý kiến đặt ra. Tính đến ngày 15/8, cả nước hiện thiếu gần 76.000 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất, tới gần 44.000 người. Riêng cấp THCS hiện xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh TP.
Giáo viên trường Tiểu học Phù Đổng, huyện Gia Lâm hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Phạm Hùng
Các đại biểu cũng nêu ra thực tế, hiện nay phương thức, nội dung, chỉ tiêu tuyển dụng nhà giáo còn có mặt chưa phù hợp. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, việc tuyển dụng nhà giáo chủ yếu do cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền thực hiện (UBND cấp huyện đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; UBND cấp tỉnh đối với cơ sở giáo dục THPT và cơ sở giáo dục trực thuộc).

Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Không chỉ vậy, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, để khắc phục kịp thời tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương trong năm học 2018 - 2019, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có. Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ và tinh giản biên chế, nhất là để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Liên quan đến tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trước câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về có nên tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT hay không và nếu giữ kỳ thi này thì nên cải tiến theo hướng nào để vừa gọn nhẹ lại vừa tránh được những sai phạm lớn như trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các nước. Hiện nay, thi THPT quốc gia vẫn rất nhiều nước thực hiện. Bộ vẫn bảo lưu quan điểm cần phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng cần phải cải tiến làm sao sát với mục tiêu. Chất lượng của đề thi, bài thi phải được hoàn chỉnh tăng cường số lượng câu hỏi chuẩn hóa, mức độ đề thi phải sát chuẩn kiến thức kỹ năng của THPT...