Giảm áp lực cho trẻ bằng sự quan tâm tinh tế của cha mẹ, thầy cô

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nỗi đau của gia đình, nỗi trăn trở của xã hội sau vụ việc một học sinh lớp 6 thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tự tử một lần nữa xoáy vào lòng mỗi bậc phụ huynh và thầy cô giáo suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của mình với con cái, học trò, nhất là trong giai đoạn học trực tuyến.

Áp lực ngày càng hiện hữu
Tuy học trực tuyến chẳng còn xa lạ nhưng thời gian trực tuyến kéo dài cộng nhiều đợt giãn cách, tình hình dịch bệnh phức tạp ở khắp mọi nơi làm cho cuộc sống của phần lớn người dân nói chung và học sinh nói riêng rơi vào trạng thái ngột ngạt, bó buộc. Trong khi đó, nhiệm vụ học tập và lượng kiến thức ngày càng dày lên; học sinh đầu cấp làm quen phương pháp học mới, học sinh cuối cấp đối mặt với những kỳ thi cùng nhiều dự định, kế hoạch… Bài học, vở ghi, dự án, bài tập thuyết trình… ở lớp học chính khóa; các chương trình học thêm, bổ trợ, hoạt động nhóm… được giao thường xuyên với tần xuất dày đặc; luôn yêu cầu học sinh hoàn thành. Và dù được giảm thời gian mỗi tiết học; tinh giản nội dung chương trình nhưng rất nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 phải học gần kín tuần, cả sáng lẫn chiều, thậm chí cả thứ Bảy, Chủ nhật. Nỗi hoang mang, lo lắng, buồn bực, hậm hực… cũng vì thế mà đầy lên. Nỗi lo cơm áo gạo tiền từ cha mẹ mà các em cảm nhận được; lời nhắc nhở, có lúc là quát mắng từ cha mẹ hoặc câu trách phạt có phần vô tâm của cô giáo, bạn bè hay kỳ vọng của người thân và của chính bản thân các em…. Tất cả tạo nên một chuỗi cảm xúc phức tạp của mỗi học trò trong giai đoạn trực tuyến. Thêm nữa, việc gắn liền với máy tính, thiết bị điện tử suốt thời gian dài trong một không gian hẹp làm các em mỏi mắt, mỏi xương cơ, đau lưng… Những điều đó gây nên hệ lụy lớn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.
 Học sinh phải học trực tuyến thời gian dài do dịch bệnh
Với việc học trực tuyến, thời gian học sinh ở nhà nhiều đồng nghĩa với thời gian tiếp xúc với cha mẹ nhiều hơn. Có học sinh tâm sự rằng: “Bố em thất nghiệp gần 2 năm nay nên bố thường bảo “sắp hết ngưỡng chịu đựng rồi”. Hơi có chút gì là bố lại mắng mỏ, trách giận, không cho em cơ hội giải thích. Em thấy ghét bản thân mình và những người xung quanh; em suy nghĩ nhiều, buồn cũng nhiều hơn…”. Ngược lại, không ít phụ huynh phàn nàn: “Suốt ngày thấy con đóng cửa im ỉm, hỏi không nói, gọi không thưa, không biết học hành gì không hay lại điện tử, youtube, tik tok, chơi game…”. Cha mẹ bận rộn ít quan tâm, hỏi han con cái. Con cũng xa cách, hoài nghi cha mẹ. Việc giao tiếp, sẻ chia trong gia đình thiếu vắng dần khiến con trẻ ngày càng nhiều tâm sự và nỗi niềm hơn…
“Học online lâu ngày, tinh thần học tập của chúng em rất uể oải. Thay vì động viên, khuyên nhủ, nhiều cô giáo lớp em có những giao tiếp manh tính mệnh lệnh đầy vô cảm: “Ai không bật mic, bật cam- kích ra khỏi lớp. Cô hỏi mà không trả lời- kích ra khỏi lớp. Cô hay xưng với bọn em là “tôi- anh/chị”… Nghe những câu nói đó, em rất căng thẳng, ngại và không có cảm hứng học nữa…”- học sinh một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy bộc bạch.
Những tâm sự hay câu chuyện của cha mẹ, thầy cô và học sinh nêu trên cho thấy lối suy nghĩ và ứng xử tưởng chừng vô tình của người lớn nhưng có ảnh hưởng rất nặng nề, sâu sắc tới trẻ, khiến trẻ mang tâm lý tiêu cực và những áp lực vô hình này cần có người đồng hành, giải tỏa.
Ai là người sẻ chia cùng trẻ?
Hóa giải những căng thẳng tinh thần đó, hơn ai hết là người thân (cha mẹ, ông bà, anh chị em); thầy cô giáo và bạn bè- những đối tượng có mối quan hệ mật thiết với trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ, thầy cô quan tâm đến trẻ phải bằng sự thật tâm, thấu hiểu và bằng chính quan sát, cảm nhận tinh tế của mình để nhận diện được bất thường, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.
 Trẻ luôn cần sự đồng hành, chia sẻ của cha mẹ, thầy cô để giải tỏa cảm xúc
Dưới góc nhìn khoa học và thực tiễn, theo PGS.TS Vũ Thị Khánh Linh (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thì chúng ta dễ dàng quan sát để nhận diện được vấn đề tâm lý trẻ gặp phải qua dáng vẻ, cử chỉ, điệu bộ, khí sắc, hành vi, câu nói… hàng ngày của trẻ. Cha mẹ, thầy cô, học sinh cần tăng cường kết nối để thấu hiểu, cùng nhau giải quyết vấn đề, vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các yếu tố khác như quan tâm, sẻ chia đúng cách; bao dung, suy nghĩ tích cực và chủ động vượt qua thách thức… là những yếu tố mỗi học sinh cần phải học hỏi, trang bị cho mình.
Là người thực hiện rất nhiều khóa tập huấn về tâm lý cho phụ huynh, thầy cô, học sinh, diễn giả Đỗ Thái Đăng - Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt cho rằng: “Áp lực trong giai đoạn học trực tuyến là rất lớn khiến hầu hết học sinh xuất hiện bất ổn tâm lý. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô cần quan sát xem thái độ, biểu cảm, hành vi, lời nói của con như thế nào; cần dành thời gian lắng nghe xem cách các con đang cảm nhận về cuộc sống. Cha mẹ hãy thận trọng trong việc tỏ thái độ, lời nói thất vọng, xúc phạm các con; thầy cô nên cẩn trọng với việc phê bình, trách phạt học sinh trước lớp. Đừng đặt kỳ vọng quá lớn lên con cái, học trò bởi sẽ dễ dàng khiến trẻ sợ hãi, lo lắng. Nếu áp lực dồn nén lâu ngày không được giải tỏa rất có thể bột phát thành những hành động tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng… Cha mẹ và thầy cô giáo cũng cần phải học kỹ năng cân bằng cảm xúc cho bản thân, khi đó mới có thể  có cách thức để tháo gỡ, đồng hành cùng con cái, học trò. Hãy để cho các con hiểu rằng, quanh các con luôn có thầy cô, cha mẹ, bạn bè và nhiều người để các con có niềm tin vào bản thân, có thái độ tích cực để sống tốt, học tốt”.
Trong buổi lễ gặp mặt, tuyên dương những học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021, lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thực sự chạm đến trái tim của nhiều người; trong đó có nhắc đến vấn đề “áp lực của thành tích'' và Bộ trưởng ghi nhận, ngợi khen “những kết quả này là sự chỉ báo, những dấu hiệu cho thấy các em có những năng lực vượt trội, những tiềm năng lớn có thể đi xa, đạt thành công lớn trong tương lai”. Bộ trưởng cũng đưa ra căn dặn: "… Các em đừng quá tự gây áp lực cho chính bản thân mình. Quan trọng là trong sự phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm sau các em cảm thấy đã vượt lên chính mình của ngày hôm trước. Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em. Nếu không, những tấm huy chương dành cho các em ngày hôm nay sẽ là một gánh nặng trong chặng đường sắp tới. Hãy xem những tấm huy chương là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai. Các em có thể học tiếp trong nước, các em có thể học ở nước ngoài, các em có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu các em thấy thích hợp nhưng quan trọng là bên cạnh sự rèn luyện, tri thức, năng lực làm việc, mong các em hãy quan tâm đến cách sống, quan tâm đến nghệ thuật, đến những điều mà các em có thể sống ở đời và cảm thấy hạnh phúc. Và chỉ sống một cuộc sống hạnh phúc thì các em mới có thể làm những việc lớn cho quê hương, cho đất nước và nhân loại. Dù ở nơi đâu, các em hãy thể hiện mình là người tốt, là công dân Việt Nam, đã từng nhận những tấm huy chương và nhận được sự kỳ vọng  của rất nhiều người”.