Vẫn khó khâu tiêu thụ
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn tăng nhẹ về sản lượng. Đến thời điểm này, các địa phương phía Nam đã thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân; năng suất lúa đạt khoảng 72 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm 2022 và sản lượng đạt khoảng 10,6 triệu tấn.
Tại nhiều địa phương ở miền Bắc đang bước vào chính vụ thu hoạch nhiều loại trái cây: Mận, xoài, vãi, nhãn, na… Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây ăn quả của cả nước hiện khoảng 1 triệu ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 12 triệu tấn trong năm nay.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, gồm: Cá đạt hơn 2,5 tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 385.800 tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 525.500 tấn, tăng 0,8% Sản lượng này đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và bảo đảm cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Mặc dù sản lượng sản xuất nông nghiệp tăng nhẹ nhưng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lại gặp khó khăn. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho hay, các tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, nhưng chăn nuôi lợn, gia cầm gặp khó khăn, giá gia cầm giảm xuống dưới giá thành sản xuất. Nguyên nhân là do nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng rất cao; trong khi đó, sức tiêu dùng ở trong nước giảm, dẫn đến cung lớn hơn cầu, khiến giá sản phẩm giảm mạnh.
Không chỉ có thị trường trong nước gặp khó, việc xuất khẩu cũng giảm mạnh. Theo đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng năm 2023 đạt 36,96 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%.
Theo Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, việc xuất khẩu nông sản giảm là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Ngoài ra, nhiều nước đã đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Thậm chí, đến nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới trong năm 2023.
Khơi thông thị trường
Trong quý II/2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng từ 2,9 - 3% và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành nông nghiệp đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu thị trường, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua các hội chợ, triển lãm, tuần hàng và kênh phân phối của Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội thúc đẩy kết nối thông qua loại hình thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại.
Đề cập về giải pháp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới.
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang tổ chức các đoàn công tác làm việc với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường châu Âu...
Theo Thứ trưởng Phùng ĐứcTiến, Bộ NN&PTNT cũng nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu, như: Thanh long, xoài, sầu riêng... để chỉ đạo các địa phương trồng rải vụ cho phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.
Mặt khác, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Song song đó, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để không ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ trong nước.
Từ nay đến cuối năm, cả nước còn khoảng 7,2 triệu tấn trái cây dồn dập thu hoạch và cần tiêu thụ. Để tránh rơi vào tình trạng thu hoạch ồ ạt mới đi tìm thị trường, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã lên kế hoạch phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trái cây đạt hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến