Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm điểm ưu tiên theo khu vực: Sẽ công bằng hơn cho thí sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia làm công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT giảm điểm ưu tiên giữa 2 khu vực kế tiếp 0,25 điểm là phù hợp với điều kiện thực tế, cũng như tạo công bằng cho thí sinh.

Giảm 0,25 điểm là phù hợp
Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD&ĐT quy định, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực (KV) kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi trong tổ hợp môn xét tuyển không nhân hệ số theo thang điểm 10. Như vậy, so với mùa tuyển sinh năm 2017, điểm ưu tiên giữa 2 KV là 0,5 thì năm nay có thể giảm còn 0,25 điểm.
 Sinh viên trường Đại học sư phạm. Ảnh: Duy Anh
Nhiều chuyên gia nhận định, Bộ GD&ĐT đã tiếp cận một cách khoa học, xem xét số liệu thí sinh thuộc KV3 (Hà Nội và những TP lớn trực thuộc T.Ư), KV2, KV2-NT, KV1 để cân đối điểm ưu tiên là hoàn toàn phù hợp. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội và học tập không quá chênh lệch, đã xóa nhòa khoảng cách, vì thế Bộ GD&ĐT thực hiện giảm điểm ưu tiên 0,25 là phù hợp.

Ở phương diện người làm công tác tuyển sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH kinh tế quốc dân cho rằng, với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 (kết quả thi dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH), đề thi dành cho thí sinh trong cả nước, số câu hỏi cơ bản chiếm tới 50 - 60%. Cộng với thiết kế đề thi tạo cho thí sinh đạt được điểm cao dễ hơn trước, thì việc các em hơn nhau 0,25 điểm rất quan trọng, nhất là đối với xét tuyển sinh ở các trường top đầu, ngành “hot”. Bởi vậy, việc điều chỉnh điểm chênh lệch ưu tiên cho thí sinh ở các KV giảm xuống còn 0,25 là phù hợp và hài hòa trong tổng thể thí sinh chung của cả nước.

Điểm ưu tiên chỉ có ý nghĩa với ngành “hot”

Mùa tuyển sinh ĐH năm 2017, dư luận bàn nhiều về việc thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt trường “hot” như công an, quân đội, y. Thậm chí có em đạt 30 điểm vẫn trượt thì việc Bộ GD&ĐT giảm điểm ưu tiên giữa vùng miền còn 0,25 sẽ cải thiện tình trạng này cũng như tạo công bằng cho thí sinh ở KV3.
Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS Điền, "Giảm điểm ưu tiên để mặt bằng giữa các thí sinh được công bằng hơn. Còn nếu đong đếm sẽ không bao giờ có sự công bằng tối ưu. Và dù điều chỉnh theo cách này hay cách khác, cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu vào của những trường top trên".
Thực tế, năm 2017, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển hơn 6.000 chỉ tiêu, đa số sinh viên trúng tuyển đều ở TP lớn như Hà Nội có gần 1.700 em. Sinh viên đến từ các tỉnh, TP lớn như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên trúng tuyển vào Bách khoa Hà Nội khá nhiều. Còn số thí sinh vào trường theo diện ưu tiên KV1 là ít. Theo ông Điền, số thí sinh ở vùng sâu xa được cộng cả điểm ưu tiên đạt trên 30 điểm đỗ ĐH có năng lực tốt.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương Lê Việt Anh nhận định: "Thí sinh sống ở nơi có điều kiện khó khăn đạt tới 28 điểm, so với thí sinh ở TP lớn được 29 điểm thì chắc chắn bạn 28 điểm có năng lực học tốt hơn. Vì thế, mức điểm ưu tiên theo KV tối đa thí sinh hiện nay là 1,5 tới đây giảm còn 0,75 vẫn chấp nhận được".
Theo ông Việt Anh, nếu có thể, Bộ GD&ĐT giảm điểm ưu tiên theo đối tượng, vì các em đã được hỗ trợ, miễn giảm học phí. Tuy nhiên, ông Triệu lại cho rằng, việc này cần nghiên cứu kỹ, bởi số lượng ưu tiên theo đối tượng ít, không ảnh hưởng lớn đến tổng thể. Nên điều chỉnh điểm ưu tiên theo KV vì mỗi năm có đến hàng triệu thí sinh thi và xét tuyển.

Nhiều chuyên gia khẳng định, nếu năm nay Bộ GD&ĐT thực hiện giảm điểm chênh lệch ưu tiên KV còn 0,25 sẽ không ảnh hưởng đối với những ngành kém hấp dẫn, bởi Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn. Do đó, điểm ưu tiên chỉ có ý nghĩa với những ngành “hot”, điểm cao, có đông thí sinh đăng ký.