|
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng |
9 nhiệm vụ trọng tâm - 5 nhóm giải phápÔng có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018 – 2019 của ngành GD&ĐT Hà Nội? - Năm học mới 2018 - 2019, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Theo đó, rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục Thủ đô. Ở giải pháp này, ngành GD&ĐT phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn TP là 70%. Đồng thời, sẽ giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là các quận trung tâm. Chúng tôi sẽ quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh để tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Ngành GD&ĐT Thủ đô cũng sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
|
Cô và trò trường THPT Kim Liên trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng |
Trong năm học này, các trường học ở Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, tiếp tục thực hiện tuyển sinh trực tuyến đối với các lớp đầu cấp học. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo cũng phải được nâng cao hơn…
Đến nay công tác chuẩn bị của các địa phương cho năm học mới được thực hiện thế nào, thưa ông?- Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã xây mới được 74 trường học, bổ sung thêm 1.579 phòng học. Đối với khối trực thuộc, năm học mới có thêm 9 trường THPT được đưa vào hoạt động. Toàn TP đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học được cải tạo; sửa chữa chống xuống cấp cho 40 trường trực thuộc Sở GD&ĐT để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới. TP cũng đã cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị đón năm học 2018 - 2019.
5 điểm mới trong năm học 2018 - 2019 Năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An mở rộng ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Và, triển khai Đề án thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam - IGCSE, Cambridge ở 7 trường THCS; thực hiện hiệu quả việc đăng cai và tổ chức các kỳ thi quốc tế về Toán và các môn khoa học.Cùng với triển khai chương trình sữa học đường, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ giảng dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội; ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, điều hành và các hoạt động giáo dục. Và, triển khai thực hiện tốt dịch vụ công trong lĩnh vực GD&ĐT, hoàn thành nốt 34 thủ tục hành chính công mức độ 3, 4 đưa tổng số lên thành 52. |
Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viênĐể nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đóng vai trò then chốt. Ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ này thế nào?- Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý vào giáo viên trong dịp hè. Trên cơ sở yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc để nâng cao năng lực quản lý. Sở cũng rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên theo từng cấp học, từng môn học để có kế hoạch phục vụ cho việc dạy chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Vừa qua, Sở cũng đã tiến hành rà soát và kiện toàn bộ máy tổ chức của 100% cơ sở giáo dục trực thuộc. Đồng thời, kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ của trường THPT Xuân Phương và trường THPT Phan Huy Chú huyện Quốc Oai. Đến nay, Sở đã hoàn thành duyệt biên chế công chức, viên chức và lao động hợp đồng năm học 2018 - 2019 cho 100% cơ sở giáo dục công lập trực thuộc. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện kiểm tra cơ sở vật chất, rà soát kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo, đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chỉ đạo việc tăng cường hỗ trợ các nhà trường khu vực khó khăn. Đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có những hỗ trợ gì?- Để giúp đỡ các trường ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai khắc phục khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ, tôi cùng Đoàn công tác của ngành GD&ĐT Hà Nội đã trực tiếp tới thăm hỏi, động viên, kiểm tra tình hình ngập úng. Tại đây, Đoàn đã trao kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, ngập lụt cho 2 trường của huyện Quốc Oai (trường Mầm non Tuyết Nghĩa và trường Mầm Non Cấn Hữu) mỗi trường 100 triệu đồng. Đoàn hỗ trợ 5 trường huyện Chương Mỹ (THCS Nam Phương Tiến A, Tiểu học Nam Phương Tiến A, Mầm non xã Nam Phương Tiến khu A, THCS Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Quảng Bị) mỗi trường 200 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ 35 cán bộ giáo viên, nhân viên bị thiệt hại do mưa lũ mỗi đồng chí 2 triệu đồng.
Ngành GD&ĐT Hà Nội còn vận động các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở hỗ trợ, giúp đỡ các trường học bị thiên tai về cơ sở vật chất, bàn ghế, đồ dùng dạy học cho học sinh. Đến nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới của các đơn vị trên địa bàn bị úng ngập đã hoàn tất. Các trường có thể khai giảng năm học mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Xin cảm ơn ông!