Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Siết kỷ cương để bảo vệ môi trường Thủ đô xanh - sạch - đẹp
Kinhtedothi - Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, cùng với các giải pháp về lĩnh vực môi trường hiện hành, việc xây dựng Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thực hiện khoản 1, Điều 33 của Luật Thủ đô) là thực sự cần thiết.
Nâng mức xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực môi trường
Ông có thể cho biết lý do Hà Nội cần ban hành Nghị quyết riêng về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường vào thời điểm này?
- Những năm qua, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh chóng và sức ép dân số gia tăng, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng liên quan đến bảo vệ môi trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, cùng với các giải pháp về lĩnh vực môi trường hiện hành, việc xây dựng Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thực hiện khoản 1, Điều 33 của Luật Thủ đô) là thực sự cần thiết.
Công viên hồ Phùng Khoang (công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phùng Khoang) phục vụ Nhân dân từ ngày 15/1/2025. Ảnh: Duy Minh
Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết nhằm siết chặt kỷ cương, văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội. Việc này không chỉ để xử lý những hành vi sai phạm mà còn để bảo vệ lợi ích chung, giữ gìn tài nguyên và môi trường sống cho các thế hệ tương lai. Đây cũng được xem là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết tâm cao của TP Hà Nội trong việc kiến tạo một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.
Những điểm mới, nội dung quan trọng của Nghị quyết này là gì, thưa ông?
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024, chúng tôi đã tham mưu xây dựng Nghị quyết để nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với hầu hết các hành vi quy định tại 46 Điều của Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ, nhằm tăng tính răn đe và thay đổi thói quen ứng xử với môi trường.
Trích dẫn
Theo kế hoạch Nghị quyết quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ trình HĐND TP cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2025, song vì tính cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường, với tinh thần chủ động, quyết liệt, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị quyết; phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan hoàn thành sớm dự thảo Nghị quyết đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, kịp thời tham mưu UBND để trình HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 22 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND ngày 29/4 vừa qua.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
Ví dụ, đối với hành vi xây dựng, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, trước đây có thể bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng, nay với Nghị quyết HĐND TP Hà Nội vừa thông qua, mức phạt này sẽ tăng lên từ 120 - 160 triệu đồng đối với cá nhân (từ 240 – 320 triệu đồng đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm).
Việc HĐND TP thông qua Nghị quyết nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường là kịp thời, quyết liệt và cần thiết. Mức phạt cao hơn sẽ tăng sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, buộc các cá nhân, tổ chức phải cân nhắc kỹ trước khi có ý định xâm phạm tài nguyên hoặc gây hại cho môi trường. Bên cạnh đó, tăng mức phạt còn tạo ra động lực cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, bởi chế tài đủ mạnh sẽ làm tăng tính hiệu quả và tính nghiêm minh của pháp luật.
Môi trường là tài sản chung, mỗi người dân phải có trách nhiệm gìn giữ
Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu và tác động của chính sách này?
- Tôi xin nhấn mạnh rằng tăng mức xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực môi trường là biện pháp cần thiết nhằm nâng cao ý thức, chấn chỉnh hành vi. Đơn cử như ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông đã được nâng lên rất nhiều từ khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Thực tế cho thấy, nhiều hành vi vi phạm không bị phát hiện hoặc bị xử lý với mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe, dẫn đến việc tái diễn và kéo dài dai dẳng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ xảy ra các hệ lụy lâu dài về môi trường, quy hoạch và đô thị hóa thiếu kiểm soát là rất lớn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại. Ảnh: Lâm Nguyễn
Hơn nữa, chúng tôi tin rằng môi trường là tài sản chung và mỗi người dân đều có trách nhiệm gìn giữ. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, hậu quả lâu dài sẽ rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững của Thủ đô.
Để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ triển khai những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn, chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức triển khai ngay công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách. Cụ thể, phối hợp với các xã, phường, trường học và tổ chức đoàn thể để tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa truyền thanh, mạng xã hội, tài liệu in ấn, thậm chí xây dựng clip ngắn để tuyên truyền. Đồng thời, lập các tổ công tác liên ngành, kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết và công khai. Các “điểm nóng” như bãi rác tự phát, sông bị ô nhiễm sẽ là trọng tâm trong đợt cao điểm triển khai.
Tiếp đến, chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác kiểm tra, thu thập dữ liệu về hành vi vi phạm như triển khai hệ thống camera giám sát môi trường, tiếp nhận phản ánh từ người dân qua app và website, giúp lực lượng chức năng nhanh chóng xác minh và xử lý kịp thời. Ngoài ra, lực lượng xử lý vi phạm tại cơ sở cũng sẽ được tập huấn chuyên sâu, trang bị thêm thiết bị phục vụ công tác kiểm tra.
Nghị quyết nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn TP Hà Nội là cần thiết và kịp thời. Ảnh minh hoạ (Duy Minh)
Việc tăng mức xử phạt là bước đi mạnh mẽ thể hiện quyết tâm của chính quyền TP trong việc bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, để thành công, cần sự đồng lòng của toàn xã hội, từ mỗi cá nhân, tổ chức, đến cộng đồng dân cư. Bởi, nếu ai cũng nghĩ mình không liên quan, thì môi trường sẽ tiếp tục bị bỏ mặc. Nhưng nếu mọi người cùng hành động từ việc nhỏ nhất như phân loại rác thì Hà Nội sẽ sớm trở thành một đô thị đáng sống, xanh – sạch – đẹp như kỳ vọng.
Tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, đi đầu trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển đô thị bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Luật Thủ đô năm 2024: tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Kinhtedothi - Các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 được kỳ vọng tạo sức bật mới cho nông nghiệp, kiến tạo những miền quê nông thôn đáng sống, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của TP Hà Nội.

Thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp: vẫn còn nhiều việc cần làm
Kinhtedothi - Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp dù có sự gia tăng nhưng chưa đạt kỳ vọng. Ngành nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch, định hướng nhiều giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI, phấn đấu đạt mục tiêu 25 tỷ USD vào năm 2030.

Sắp diễn ra hội nghị khoa học - công nghệ ngành nông nghiệp và môi trường
Kinhtedothi - Chiều 5/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo thông tin kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường.