Giảm lãi suất cho vay: Ngân hàng chia sẻ cùng doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2019, nhiều ngân hàng lớn đã thực hiện ngay cam kết giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các DN giảm chi phí đầu vào.

Ngân hàng nỗ lực hạ lãi vay
4 ngân hàng lớn là Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Công Thương (Vietinbank) và Đầu tư phát triển (BIDV) đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Các DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp hay nông nghiệp, nông thôn là những lĩnh vực ưu tiên được giảm lãi suất.

Cụ thể như Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019. Mức giảm 0,5%/năm trong năm 2019 cũng sẽ được áp dụng đối với các khoản vay trung dài hạn hiện tại của DN. Agirbank giảm 0,5% lãi suất cho vay với các đối tượng ưu tiên, gồm cả cho vay trung hạn, ngắn hạn và dài hạn.
 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh NCB Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Đại diện các ngân hàng cho biết, sẽ phải tăng cường xử lý nợ xấu và tiếp tục cắt giảm chi phí để có thể giảm lãi vay. Như Vietcombank, ước tính, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm khoảng 450 tỷ đồng, tương ứng với số tiền lãi tiết kiệm được cho DN. BIDV cũng cho biết sẽ tiết giảm chi phí, điều chỉnh giảm khoảng thêm mức 0,25%/năm cho các đối tượng ưu tiên.

Lãi suất khó giảm mạnh

Các chuyên gia đánh giá, đây là một tin vui đầu năm với nhiều DN và nền kinh tế, nhưng không nghĩ giảm lãi suất sẽ trở thành xu hướng chung. “Các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước, khi Chính phủ kêu gọi đã lập tức giảm lãi suất, nhưng liệu các ngân hàng khác có theo chân làm ngay không, tôi nghĩ giờ này chưa được vì chi phí vốn”- TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu, xu hướng lãi suất trong năm 2019 vẫn còn cao do nợ xấu vẫn còn nằm trên sổ sách, hay nói đúng hơn các ngân hàng vẫn phải “nuôi” nợ xấu. Những khoản nợ bán cho VAMC trong năm 2014 và 2015, số này sẽ đáo hạn vào 2019 và 2020, nhất là ở những ngân hàng nhỏ sẽ có nhiều khó khăn trong hoạt động. Kết quả kinh doanh 2018 của nhiều ngân hàng rất khả quan nhưng tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng tăng lên, nhất là nhóm ngân hàng sở hữu công ty tài chính.

Một yếu tố nữa là áp lực lạm phát năm 2019 được dự báo vẫn còn rất lớn (như giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình; lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng …). “Lạm phát của Việt Nam vẫn ở gần 4%, buộc ngân hàng phải trả lãi cho khách trên 2% so với lạm phát (tức là khoảng 6%), nếu không nguồn tiền tiết kiệm sẽ chạy sang chứng khoán, bất động sản hay các kênh khác. Lãi suất huy động không giảm thì sẽ khó giảm lãi suất cho vay”- ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, cũng cần nói tới tỷ giá. TS.LS Bùi Quang Tín nhận định, áp lực tỷ giá năm nay cũng không kém gì so với năm 2018, thậm chí có phần căng thẳng hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho dù tốc độ có chậm hơn; trong khi Ngân hàng T.Ư châu Âu cũng đã chấm dứt gói nới lỏng định lượng và có thể tăng lãi suất vào mùa thu tới nếu điều kiện thuận lợi. Diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó đoán định, việc đồng Nhân dân tệ giảm giá đã giúp Trung Quốc hóa giải được phần nào tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo thêm áp lực đến tỷ giá của nhiều nền kinh tế mới nổi khác, kể cả Việt Nam. Để ổn định tỷ giá, đương nhiên mặt bằng lãi suất VND sẽ khó có thể giảm.

Đó là chưa kể năm nay NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng trong khoảng 14%. Tín dụng được siết chặt hơn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của các ngân hàng, đặc biệt là với những ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu vốn trong nền kinh tế vẫn rất lớn. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chủ trương kêu gọi của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay.

Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng sẽ kéo giảm lãi suất

"Tín dụng vẫn là kênh quan trọng phục vụ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cải tổ lành mạnh thị trường tài chính, tăng tính hiệu quả trong thị trường vốn tập trung vào những dự án hiệu quả, khu vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và hạn chế ở những lĩnh vực rủi ro. Thông tư 16/2018/TT-NHNN quy định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng từ 1/1/2019 xuống 40%. Ngoài ra quy định chuẩn Basel 2 giúp ngân hàng hoạt động lành mạnh thì người dân sẽ tin tưởng nhiều hơn, sẵn sàng bỏ tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp hơn và như vậy có cơ hội để giảm lãi suất cho vay. " - Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước